Thể thao Việt Nam năm 2024 và những chuyện không vui
Vị trí chính xác của thể thao Việt Nam trên bản đồ thế giới đã thể hiện trong năm 2024. Việt Nam vẫn có VĐV giành vị trí cao. Đó là những nhà vô địch thế giới, á quân châu Á, nhưng đó đều không phải môn Olympic, hoặc nằm ngoài chương trình thi đấu Olympic hiện tại.
Lạc lõng ở đấu trường thế giới
Trong những năm chẵn, đấu trường quan trọng nhất của thể thao Việt Nam bao gồm 2 sân chơi lớn ASIAD và Olympic. Ngược lại, trọng tâm của những năm lẻ là SEA Games. Người hâm mộ Việt Nam từ lâu đã quen với biểu đồ tâm trạng hình sin cùng thể thao theo từng năm chẵn lẻ.
Chu kỳ đó không thay đổi trong năm 2024. Các vận động viên Việt Nam gặp không ít trở ngại trong hành trình giành vé tham dự Olympic Paris. Phải đến sát thời điểm Ban tổ chức Thế vận hội chốt danh sách các VĐV tranh tài, Việt Nam mới có đủ số suất như chỉ tiêu đặt ra từ trước.
Lực lượng VĐV Việt Nam đến Olympic Paris, xét về chất lượng, Việt Nam không có gương mặt nào đảm bảo nằm trong nhóm giành huy chương. Trịnh Thu Vinh được xem là VĐV có cơ hội cao nhất, nhưng đã để tuột tấm HCĐ trong gang tấc.
Những pha nâng tạ hỏng liên tiếp sau đó của VĐV cử tạ Trịnh Văn Vinh cũng khép lại một kỳ Olympic buồn của thể thao Việt Nam. Sau kỳ tích mang tên Hoàng Xuân Vinh, Việt Nam đã trải qua 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp trắng tay. Đây có thể là kết quả không vui với người hâm mộ, nhưng phản ánh thực tế phát triển của thể thao Việt Nam.
Câu chuyện về 2 tấm huy chương tại Rio của Hoàng Xuân Vinh, cũng như thực trạng hiện nay cho thấy một sự thật. Thể thao thành tích cao của Việt Nam vẫn trông cậy nhiều vào một vài cá nhân cụ thể, chứ không có lộ trình phát triển bền vững. Điều này đặc biệt đúng trong những môn Olympic, nơi thành tích các đội tuyển liên tục biến động.
Đấu kiếm là môn thể thao điển hình cho thấy sự trồi sụt thành tích dựa vào các cá nhân. Tại Olympic Rio, Việt Nam có tới 4 VĐV đấu kiếm giành vé tham dự Thế vận hội. Nhưng đến 2 kỳ Olympic tiếp theo, các kiếm thủ Việt Nam không còn gương mặt nào đủ sức vươn ra thế giới nữa. Khi thế hệ vàng đi xuống, các gương mặt trẻ không thể kế tục ngay.
Xu hướng thiếu VĐV kế cận còn được chứng kiến ở 2 môn thể thao cơ bản của Olympic là Bơi và Điền kinh. Trong môn Bơi, Huy Hoàng hiện không có người "chia lửa" trên hành trình tiến ra thế giới. VĐV Võ Thị Mỹ Tiên thực chất đến Thế vận hội theo suất đảm bảo bình đẳng giới của các quốc gia đã có VĐV giành vé theo chuẩn chính thức.
Ở Olympic Rio 2016, Ánh Viên là người giúp đàn anh Hoàng Quý Phước đến Thế vận hội theo suất này. Đến Olympic Tokyo, Huy Hoàng là người giúp Ánh Viên có cơ hội dự kỳ Thế vận hội tiếp theo. Nhưng với phong độ hiện tại của Huy Hoàng, anh khó có thể tiếp tục đến Los Angeles 2028. Khi đó, bơi Việt Nam chỉ có thể chờ vào những tấm vé mời.
"Chờ vé mời" cũng là thực trạng của môn Điền kinh. Trong những năm gần đây, chuẩn Olympic với các VĐV điền kinh được nâng lên rất cao, nhưng thành tích của VĐV Việt Nam lại không cải thiện nhiều. Vì thế, gương mặt duy nhất của điền kinh Việt Nam đến Olympic Paris là Trần Thị Nhi Yến, trên thực tế cũng chưa đạt chuẩn Olympic.
Những thông tin cần kiểm chứng
Trong bối cảnh ảm đạm của thể thao thành tích cao tại đấu trường Olympic, Việt Nam vẫn có một số điểm sáng. Đó là việc đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có thứ hạng tốt tại các giải châu lục và thế giới. Ngoài ra, một số VĐV trẻ ở các môn như Cầu lông, Boxing, Cử tạ cũng đạt thành tích tốt khi tham dự những giải quốc tế.
Thành tích, nỗ lực của các VĐV là điều đáng ghi nhận. Nhưng từ góc độ người làm chuyên môn, thể thao Việt Nam cần tránh việc phóng đại, thậm chí đưa tin khiến người hâm mộ hiểu nhầm về thành tích của các VĐV. Bởi sau tất cả, những VĐV, HLV cuối cùng sẽ phải gánh chịu hậu quả từ luồng thông tin dễ gây hiểu nhầm đó.
Một trong những thông tin khiến người hâm mộ hiểu sai trong năm 2024 diễn ra ở môn bóng chuyền. Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có một năm thi đấu thành công khi vô địch Asian Challenge Cup lần thứ 2 liên tiếp, đồng thời đứng hạng 3 ở FIVB Challenger Cup. Nhưng thành tích này lại được ghi là "giành HCĐ giải thế giới".
Trong hệ thống thi đấu quốc tế, FIVB Challenger Cup là giải đấu cấp độ 2, đứng dưới Nations League. Điều đó có nghĩa, ngay cả những nhà vô địch FIVB Challenger Cup cũng chưa đủ khả năng cạnh tranh vị trí nhóm đầu. Nhưng cách đưa tin về bóng chuyền nữ Việt Nam khiến nhiều người nhầm tưởng đội tuyển đã vươn lên nhóm đầu thế giới.
Một trường hợp khác được phóng đại là VĐV Nguyễn Thị Thu Huyền, người giành HCB giải vô địch cầu lông trẻ châu Á 2024 lứa tuổi U15. Đây quả thực là thành tích chưa bao giờ có của cầu lông Việt Nam ở cấp độ trẻ. Nhưng với một VĐV như Thu Huyền, em đang bị hiểu nhầm về thực lực hiện có. Bởi, VĐV này vẫn chưa thể sánh ngang với các đàn chị.
Bản thân Thu Huyền nhận thức rõ hơn ai hết về năng lực bản thân so với nhiều VĐV giàu kinh nghiệm khác. Cá nhân em là một VĐV khiêm tốn, cầu tiến, luôn nỗ lực để cải thiện bản thân mỗi ngày. Nhưng chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra với một cô bé 13 tuổi, khi em liên tục được nhắc đến như một ngôi sao, dù vẫn là viên ngọc thô cần được mài giũa.
Câu chuyện về thành tích của đội tuyển Boxing Việt Nam tại giải vô địch châu Á 2024 cũng là điều cần được nhắc tới. Các VĐV Việt Nam giành 3 huy chương bạc, nhưng trên thực tế, thành tích trên diễn ra trong bối cảnh nhiều đội tuyển không cử VĐV hàng đầu tham dự. Nếu họ tung ra những trụ cột được nghỉ ngơi, Việt Nam khó có thể tiến sâu.
Hạn chế vòng lặp cũ
Đến năm 2025, mục tiêu lớn nhất của thể thao Việt Nam một lần nữa trở lại đấu trường SEA Games. Vị trí nhất toàn đoàn ở 2 kỳ Đại hội liên tiếp khó có thể được bảo toàn, đặc biệt trong bối cảnh Thái Lan là nước chủ nhà. Ta cũng không phủ nhận SEA Games là sân chơi quan trọng, nhưng không vì thế mà thỏa mãn với những thành tích nhỏ.
Tại SEA Games 2019, Việt Nam giành 98 HCV. Số lượng huy chương vàng ở 2 kỳ SEA Games tiếp theo trên sân nhà và Campuchia lần lượt là 205 và 136. Vì thế, trong trường hợp Việt Nam giành hơn 100 HCV tại SEA Games 2025 ở Thái Lan, đó cũng không phải thành tích xuất thần. Trên thực tế, việc này hoàn toàn nằm trong dự tính.
Những quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore đều mang những VĐV tốt nhất của họ đến SEA Games. Nhưng điểm khác biệt giữa những nước kể trên và Việt Nam, đó là họ sở hữu những VĐV có "chất" tốt hơn hẳn. Nhiều nhà vô địch SEA Games của họ thực chất ở đẳng cấp vô địch châu Á hoặc Olympic.
Ở một góc độ khác, nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã phát triển thể thao theo cả chiều rộng và chiều sâu. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ làm được ở khía cạnh chiều rộng. Xét về chiều sâu, thể thao Việt Nam vẫn dựa quá nhiều vào tố chất của một số VĐV đặc biệt. Khi họ không còn ở thời kỳ đỉnh cao, thành tích cũng vì thế dần lụi tàn.
Trách nhiệm của những nhà quản lý, cũng như huấn luyện viên về thành tích VĐV đã được nhắc nhiều trong 2 năm vừa qua. Nhưng hơn ai hết, chính VĐV cần có nhận thức đúng đắn về công việc hiện tại. Họ không còn phải nhận mức thu nhập bèo bọt như trước nữa. Trái lại, nhiều người đang hưởng đãi ngộ rất cao so với mặt bằng chung của người lao động.
Vòng lặp "thành công SEA Games, thất bại ASIAD và Olympic" có thể tiếp tục lặp lại trong thời gian tới. Để điều đó không xảy ra, những cá nhân, tổ chức trong ngành thể thao cần có nhận thức đúng đắn về mục tiêu thực sự cần được hướng tới. Trách nhiệm cao nhất thậm chí phải đặt về VĐV, bởi họ là người trực tiếp mang lại thành tích.