Thể thao Việt Nam: Nhiều thách thức cần vượt qua để vươn tầm ASIAD và Olympic
Sáng 28/3 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp cùng Cục Thể dục Thể thao Việt Nam tổ chức hội thảo nhằm góp ý xây dựng chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm để hướng đến vươn tầm Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh thẳng thắn nhìn nhận rằng, dù đạt nhiều thành tích đáng ghi nhận ở SEA Games cũng như các giải đấu trẻ và vô địch thế giới, thể thao Việt Nam vẫn còn khiêm tốn khi bước ra đấu trường ASIAD và Olympic. Không chỉ vậy, so với các quốc gia mạnh trong khu vực, Việt Nam có dấu hiệu tụt hậu.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên nhân chính của tình trạng này là do Việt Nam chưa có một chương trình cấp quốc gia mang tính hệ thống để đào tạo và phát triển các vận động viên trọng điểm hướng đến các sân chơi lớn như ASIAD và Olympic. Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực đã xây dựng và triển khai chiến lược bài bản để đầu tư vào các môn thể thao thế mạnh, tạo ra những bước đột phá.

Phó Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Việt Nam Nguyễn Hồng Minh phát biểu tại hội thảo.
Nhằm giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, thể thao Việt Nam sẽ tập trung vào hướng phát triển bền vững, chuyên nghiệp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để thu hút đầu tư và phân bổ nguồn lực hợp lý.
Đáng chú ý, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ VHTT&DL, trực tiếp là Cục Thể dục Thể thao Việt Nam, xây dựng Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm tham dự Olympic và ASIAD giai đoạn 2026-2046. Hiện dự thảo chương trình này đã được hoàn thiện trên cơ sở nghiên cứu và lấy ý kiến từ các cơ quan, đơn vị liên quan.
Theo kế hoạch, chương trình phát triển thể thao trọng điểm sẽ được triển khai theo ba giai đoạn với các mục tiêu cụ thể:
Giai đoạn 2026-2030: Duy trì vị trí trong tốp 3 SEA Games, tốp 20 ASIAD. Bóng đá nam hướng đến tốp 10 châu Á, bóng đá nữ đặt mục tiêu tốp 8 châu Á.
Giai đoạn 2030-2036: Tiếp tục duy trì vị trí tốp 3 SEA Games, tốp 20 ASIAD, ổn định nhóm các môn thể thao trọng điểm đã đầu tư ở giai đoạn trước, đồng thời bổ sung thêm những nội dung có khả năng tạo đột phá.

Quang cảnh hội thảo.
Giai đoạn 2036-2046: Hướng đến tốp 2 SEA Games, tốp 15 ASIAD và tốp 50 Olympic. Đặc biệt, bóng đá nam đặt mục tiêu lọt vào tốp 8 châu Á và giành quyền tham dự World Cup, bóng đá nữ hướng đến suất tham dự World Cup và duy trì vị trí trong tốp 8 châu Á.
Với lộ trình cụ thể và chiến lược đầu tư bài bản, thể thao Việt Nam đặt quyết tâm chinh phục những cột mốc mới tại các kỳ Olympic và ASIAD trong tương lai. Tuy nhiên, để hiện thực hóa khát vọng vươn tầm quốc tế, không chỉ ngành thể thao mà các cấp, ngành và toàn xã hội đều cần chung tay đóng góp, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Đây không chỉ là câu chuyện thành tích của thể thao, mà còn là bài toán về chiến lược, cơ chế và sự đầu tư nghiêm túc, có trọng điểm, nhằm từng bước khẳng định vị thế của thể thao Việt Nam trên bản đồ thế giới.