Thể thao Việt Nam nhìn từ Olympic Paris 2024

Thể thao Việt Nam đã đưa ra định hướng vươn lên ở đấu trường Asiad và Olympic từ lâu, nhưng thành tựu đạt được đến nay vẫn khá hạn chế. Bên cạnh các vấn đề về tổ chức, quản lý, thì chiến lược xã hội hóa thể thao cũng chưa phát huy hiệu quả.

Kết thúc ngày thi đấu thứ 7 Olympic Paris 2024, 13/16 VĐV của Việt Nam chưa giành được huy chương nào. Đây thực tế là kết quả không ngoài dự báo trước khi đoàn Việt Nam xuất quân, bởi số lượng và chất lượng tham dự thua sút so với các Thế vận hội trước.

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 39 thành viên

Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 với 39 thành viên

Tại Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản), thể thao Việt Nam cũng không gặt hái được kết quả nào cụ thể. Những gương mặt đặt nhiều kỳ vọng nhất đều thi đấu không thành công. Tới nay, thành tích 1 HCV, 1 HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio de Janeiro 2016 vẫn là đỉnh cao của thể thao Việt Nam.

Đấu trường Olympic trong khi đó chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của một quốc gia châu Á khác là Trung Quốc. Trên bảng xếp hạng Thế vận hội sáng qua, Trung Quốc đang dẫn đầu với 13 HCV, 9 HCB và 9 HCĐ, đứng trên chủ nhà Pháp, Úc và cả Mỹ. Chỉ tính riêng khu vực Đông Nam Á, thành tích tại đấu trường Olympic của Việt Nam cũng đứng dưới nhiều quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore hay Philippines, dù chúng ta thường xuyên vào tốp 3 Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), thậm chí dẫn đầu một số đại hội gần đây. Mới nhất tại SEA Games 32 (Campuchia), Việt Nam đoạt ngôi nhất toàn đoàn với 136 HCV. Tuy nhiên chỉ ít tháng sau đó khi tham dự Asiad 19 (Trung Quốc), thành tích của chúng ta lại đứng dưới các nước tốp đầu khu vực.

Thực tế trên đã được chỉ ra từ lâu và cũng đã có khá nhiều phân tích, đánh giá, đi tìm các nguyên nhân để giải quyết. Nó bắt nguồn từ nhiều vấn đề gồm hoạch định chiến lược, tổ chức, quản lý và triển khai. Về mặt chiến lược, ngành thể thao đã đưa ra định hướng đầu tư cho đấu trường Asiad và Olympic từ lâu. Tuy nhiên, một khó khăn điển hình ngành thể thao luôn nhắc tới là vấn đề nguồn lực có hạn.

Về vấn đề này, Chính phủ, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra chiến lược xã hội hóa thể thao nhằm thu hút nguồn lực xã hội. Đây là bước đi đúng đắn, nhưng quá trình thực hiện lại vấp khá nhiều rào cản, và đầu tiên lại từ…thủ tục hành chính của các đơn vị liên quan. Chủ một doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh (đề nghị không nêu tên) từng than thở, đã phải chạy vạy nhiều “cửa” để tổ chức một giải bóng đá phong trào ở địa phương. BTC nhận được sự ủng hộ về mặt chuyên môn rất thuận lợi từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), nhưng phải mất nhiều tháng đi “xin” mới được cơ quan quản lý cấp phép. Lý do là vì các bộ phận phụ trách trực tiếp đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không nơi nào nhận.

Trao đổi với Tiền Phong, một đại diện Công ty cổ phần Thương mại và Nội dung số (Vietcontent)- đơn vị tư vấn và tiếp thị tài trợ SEA Games 31 tại Việt Nam- cho rằng, để phát triển thể thao, không thể chỉ dựa vào ngân sách nhà nước. Nguồn lực xã hội là rất cần thiết nhưng ngành thể thao cần tạo điều kiện tốt hơn để khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức tham gia.

Một điển hình cho thấy công tác xã hội hóa phát huy tác dụng tốt là ở các môn bóng chuyền, billards… khi có doanh nghiệp tham gia tổ chức đang phát triển tốt hơn, thu hút sự quan tâm từ công chúng nhiều hơn.

Billards Việt Nam gần đây tổ chức nhiều sự kiện, nổi bật như Hà Nội Open Pool Championship 2023, có sự tham dự của nhiều VĐV quốc tế tên tuổi lớn, như “phù thủy” Reyes (Philippines). Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam nhờ đầu tư và động viên, khích lệ tốt cũng đang có những tiến bộ và thành tích vượt bậc.

[ V.P ]

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/the-thao-viet-nam-nhin-tu-olympic-paris-2024-post1660636.tpo