Thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic Tokyo, vì sao?

Sau kỳ Olympic 2016 thành công rực rỡ, thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic Tokyo theo một cách... le lói nhất.

Những nỗ lực đáng khen ngợi

Có 18 VĐV tranh tài ở 11 môn thi đấu tại Tokyo, nhưng thực tế hy vọng tranh huy chương dồn vào 4 cái tên: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Kim Tuyền (taekwondo).

Thế nhưng, điểm sáng le lói của TTVN ở Olympic 2020 lại đến từ những VĐV không được đánh giá cao: tấm vé vào bán kết 400m rào của Quách Thị Lan. VĐV quê Thanh Hóa là VĐV châu Á duy nhất làm được điều này ở Thế vận hội năm nay, đồng thời trở thành VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử vào đến bán kết một nội dung chạy ở Thế vận hội.

Quách Thị Lan là một trong những điểm sáng ở Olympic Tokyo

Quách Thị Lan là một trong những điểm sáng ở Olympic Tokyo

Nỗ lực của tay vợt Nguyễn Thùy Linh cũng đáng được ghi nhận. VĐV sinh năm 1997 kết thúc bảng P với hai trận thắng, một thua, chỉ thua tay vợt số một thế giới Tai Tzu Ying (Đài Loan). Nhờ chiến tích của Thùy Linh, lần đầu cầu lông Việt Nam có một tay vợt nữ thắng 2 trận ở Olympic.

Nỗi thất vọng

Dù là ĐKVĐ nội dung 10m súng ngắn hơi nam, nhưng Hoàng Xuân Vinh không được đánh giá cao ở Tokyo. Xạ thủ Quân đội đến Tokyo với tấm vé mời, và kết quả không nằm ngoài dự đoán, Hoàng Xuân Vinh xếp hạng 22/36, sớm thành cựu vô địch.

Hoàng Xuân Vinh đã qua thời đỉnh cao

Hoàng Xuân Vinh đã qua thời đỉnh cao

Thạch Kim Tuấn cũng có một kỳ Olympic đáng quên, khi thất bại trong 3 lần cử đẩy, biến đô cử từ chỗ là niềm hy vọng huy chương thành không được xếp hạng.

Gương mặt kỳ vọng khác là Kim Tuyền (taekwondo) bởi võ sĩ này là VĐV hiếm hoi đi tập huấn quốc tế trước khi đến Tokyo. Nhưng Kim Tuyền không có sự cải thiện về thành tích, ngược lại bộc lộ hạn chế về kỹ thuật, thể lực.

Thạch Kim Tuấn thất bại ở hạng 61kg

Thạch Kim Tuấn thất bại ở hạng 61kg

Tương tự, thất bại của Ánh Viên tạo ra quá nhiều tiêu cực. Tay bơi người Cần Thơ có thành tích thấp nhất trong 10 năm qua ở nội dung 200m tự do, trong khi ở nội dung 800m kém đối thủ về đầu gần một vòng bể.

Thất bại và khoảng trống

Sòng phẳng mà nói TTVN không có sự chuẩn bị tốt nhất cho Olympic Tokyo vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều VĐV suốt 2 năm qua không được tập huấn nước ngoài, không có chuyên gia kèm, chủ yếu tập chay.

Thế nhưng, khó người khó ta, bởi so sánh với các quốc gia trong khu vực, rõ ràng thành tích của TTVN là cực kỳ thất vọng. Ở Đông Nam Á, Indonesia giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ, trong khi Thái Lan và Philippines đều có 1 HCV, Malaysia có 1 HCĐ.

Vấn đề tâm lý được đề cập từ thất bại của Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn, Kim Tuyền. Tuy nhiên, nhìn sâu xa, thể thao Việt Nam chưa làm tốt khâu đào tạo, huấn luyện, cũng như chất lượng VĐV thua kém.

TTVN không có nhiều thế mạnh ở đấu trường Olympic

TTVN không có nhiều thế mạnh ở đấu trường Olympic

Nhiều năm qua, TTVN mới chỉ gây chú ý ở SEA Games, còn khi bước ra đấu trường lớn như Olympic lại thể hiện rõ sự hụt hơi về lực lượng và đầu tư tranh chấp huy chương. Chưa kể hướng đầu tư đường dài thất bại, cụ thể là trường hợp của Ánh Viên.

Điều đáng lo cho TTVN sau thất bại ê chề tại Tokyo là khoảng trống lớn về VĐV kế cận. Sau Xuân Vinh, Tiến Minh, Ánh Viên, Thạch Kim Tuấn..., hiện chưa có VĐV trẻ nào đủ sức gánh vác trọng trách.

TTVN thua trắng ở đấu trường đẳng cấp thế giới, thụt lùi với khu vực và chính mình. Một màu xám đối với thể thao nước nhà.

Video Quách Thị Lan vào bán kết 400m rào nữ:

Bằng Lăng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-thao/vi-sao-the-thao-viet-nam-trang-tay-o-olympic-tokyo-2020-762152.html