Thể thao Việt Nam từ Olympic 2020: Muốn gặt phải gieo

Ngân sách cho thể thao tăng đều trong những năm qua nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho thể thao đỉnh cao. Hiện lương trung bình một VĐV đội tuyển quốc gia khoảng 7 triệu đồng/tháng, cộng với tiền ăn, chế độ dinh dưỡng 320.000 đồng/ngày. Trong thời gian 90 ngày trước SEA Games, Asiad, Olympic tiền ăn được tăng lên 480.000 đồng/người/ngày; với những VĐV trọng điểm là 640.000 đồng/người/ngày.

Ánh Viên là một tài năng có tố chất bẩm sinh chỉ dừng lại ở SEA Games

Ánh Viên là một tài năng có tố chất bẩm sinh chỉ dừng lại ở SEA Games

Rõ ràng là quá khiêm tốn, hạn chế nhưng đó đã là nỗ lực quan tâm chăm lo của Nhà nước. Do đó, thể thao không thể dựa mãi vào sự bao cấp. Để giải quyết bài toán đầu tư, có nguồn lực để phát triển mạnh mẽ, Quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã chỉ rõ một trong 7 giải pháp là đẩy mạnh xã hội hóa. Đây là quy luật phát triển tất yếu của thể thao thế giới. Ngành thể thao, Ủy ban Olympic, từng liên đoàn phải khai thông được nguồn lực to lớn từ xã hội. Muốn vậy phải thay đổi nhận thức và cách làm, cần có cơ chế để các liên đoàn được xã hội hóa mạnh mẽ, tự chủ trong hoạt động, làm kinh tế thể thao để tái đầu tư cho đào tạo.

Dù đã có “đổi mới tư duy” nhưng thực tế cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa mạnh dạn giao quyền tự chủ. Năng lực của hầu hết các liên đoàn thể thao còn yếu. Không có nguồn lực từ xã hội thì không thể đầu tư cho thể thao thành tích cao. Đã đến lúc phải thay đổi cơ chế quản lý nhà nước về TDTT, để tạo đòn bẩy cho các liên đoàn phát huy được thế mạnh của mình.

Chắc chắn sự đầu tư cho các VĐV đỉnh cao phải đủ tầm. Tầm ở đây là trình độ của những nhà quản lý, bộ môn, đội ngũ HLV, tính khoa học từ khâu phát hiện đến đào tạo. Không thể nóng vội mà phải làm bài bản, từng nấc thang một, bền vững để giành thành tích ổn định ở Asiad rồi mới tính đến Olympic. Phải đầu tư trúng đích như: tập trung vào các môn, nội dung thế mạnh, phù hợp thể trạng người Việt Nam, có khả năng cạnh tranh ở đấu trường châu lục, thế giới như cử tạ (các hạng cân thấp), võ (các hạng cân nhẹ), bắn súng, bắn cung, cầu lông, bóng bàn… Cùng với đó là chiến lược phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam mà đề án tổng thể đã được ban hành tròn 1 thập niên nhưng việc triển khai thực hiện quá chậm chạp.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202108/the-thao-viet-nam-tu-olympic-2020-muon-gat-phai-gieo-3072083/