Thể thao Việt Nam và hồi chuông báo động từ thất bại tại Olympic 2024

Sân chơi Olympic 2024 sớm kết thúc với thể thao Việt Nam. Trong khi đó, những nước như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia gặt hái những thành công ấn tượng. Đây là dấu hỏi lớn cần lời giải đáp từ những người làm thể thao Việt Nam.

Là “ông lớn” tại SEA Games, nhưng Việt Nam liên tục thất bại tại Olympic

Là “ông lớn” tại SEA Games, nhưng Việt Nam liên tục thất bại tại Olympic

Chuyển hướng đầu tư trọng tâm

Việt Nam là cường quốc thể thao tại SEA Games. Điều này đã được các nước trong khu vực và châu lục thừa nhận trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, tại sân chơi Olympic 2024, thể thao Việt Nam thất bại toàn diện khi không thể giành huy chương nào. Trong khi đó, các quốc gia vốn không phải là đối thủ Việt Nam tại SEA Games như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia… liên tục đoạt những HCV quý giá.

Ở 2 kỳ SEA Games gần nhất, đoàn thể thao Việt Nam xếp ở vị trí cao nhất, bỏ xa các đoàn còn lại ở Đông Nam Á về số lượng huy chương. Cụ thể, ở SEA Games 32 năm 2023, Việt Nam giành đến 136 HCV, bỏ xa đoàn về nhì là Thái Lan (108 HCV), bỏ rất xa Philippines (đứng hạng 5, với chỉ 58 HCV). Ở SEA Games 31 năm 2022 trên sân nhà, Việt Nam giành đến 205 HCV, trong khi Thái Lan chỉ có 92 HCV.

Philippines thời điểm đó vẫn bị chúng ta bỏ rất xa: họ đứng hạng 4 với chỉ 52 HCV. Tuy nhiên, ở Olympic, điều ngược lại xảy ra. Philippines đứng đầu trong số các đoàn thể thao Đông Nam Á tại Olympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản) và đang tạm đứng đầu khu vực ở Olympic Paris (Pháp).

Chiều ngược lại, trong 2 kỳ Olympic 2020 và 2024, Việt Nam không giành được huy chương nào, không được xếp hạng. Điều đó phản ánh việc với một số quốc gia ở Đông Nam Á, điển hình là Philippines, họ không còn giành thành tích quá cao tại SEA Games, không phải do nền thể thao của họ yếu đi, mà có thể họ không còn tập trung vào sân chơi này nữa.

Nguồn lực và phương thức đầu tư của một số quốc gia Đông Nam Á hiện tập trung cho đấu trường ASIAD và đặc biệt là Olympic. Philippines có Carlos Yulo quá xuất sắc ở môn thể dục dụng cụ, giành 2 HCV các nội dung bài biểu diễn trên sàn và nhảy chống nam.

Thái Lan có nữ võ sĩ Panipak Wongpattanakit được dự báo từ trước sẽ giành HCV ở hạng cân 49kg nữ trong môn taekwondo thuộc Olympic, và thực tế diễn ra đúng như vậy. Còn Indonesia rất đáng gờm ở môn cử tạ. Chưa kể Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia luôn cầm chắc huy chương ở một vài môn mà họ mạnh truyền thống như quyền anh (các hạng cân nhẹ), cầu lông…

Trong khi đó, nhìn về phía các VĐV Việt Nam, hoàn toàn không có VĐV nào trong nhóm đầu thế giới, cũng không sở hữu môn nào thực thụ là thế mạnh để chinh phục đấu trường Olympic.

Đến nay, thể thao Việt Nam chỉ được vinh danh ở môn taekwondo của Trần Hiếu Ngân ở Olympic Sydney (Australia) 2000, cử tạ với Trần Lê Quốc Toàn tại London (Anh) 2012 (ban đầu Thạch Kim Tuấn đứng hạng 4 hạng 56kg nam, nhưng do VĐV Valentin Hristov của Azerbaijan bị phát hiện dương tính với doping, nên nhiều năm sau Olympic London 2012, Thạch Kim Tuấn được đôn lên nhận HCĐ), bắn súng với Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio (Brazil) 2016.

Đây là con số quá ít ỏi và đã từng được giới chuyên môn và người hâm mộ báo động từ rất lâu…

Ngoài Trịnh Thu Vinh (bắn súng) để lại chút tiếc nuối cho người hâm mộ, các VĐV còn lại của Việt Nam đều có trình độ thua xa thế giới

Ngoài Trịnh Thu Vinh (bắn súng) để lại chút tiếc nuối cho người hâm mộ, các VĐV còn lại của Việt Nam đều có trình độ thua xa thế giới

Không có mũi nhọn?

Chắc chắn sẽ có buổi đánh giá, phân tích về thất bại của thể thao Việt Nam tại Olympic 2024. Tuy nhiên, đối với nhiều người hâm mộ thể thao lâu năm, họ đã nhìn thấy vấn đề từ rất lâu.

Hầu như môn nào thể thao Việt Nam cũng tham gia, nhưng không đầu tư trọng điểm vào môn nào cả. Thể thao Việt Nam thường có xu hướng tập trung vào khai thác VĐV tài năng, mà thiếu sự đầu tư mang tính kế thừa, có chiều sâu. Thế nên, khi các VĐV tài năng bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp, thành tích của thể thao Việt Nam cũng theo đó thụt lùi.

Điều này như đã nói, khác xa với thế mạnh truyền thống của các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, giúp Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia luôn cầm chắc huy chương mỗi khi bước ra đấu trường Olympic. Vấn đề còn lại của họ chỉ là huy chương đấy sẽ màu gì, tùy thuộc vào phong độ của từng VĐV cụ thể và phong độ của đối phương ở thời điểm thi đấu.

Sau thể dục dụng cụ, Philippines đầu tư mạnh cho điền kinh, với việc VĐV nhảy sào nam Obiena suýt giành được HCĐ (cùng thành tích với người ở vị trí này, chỉ kém chỉ số phụ). Với Thái Lan, sau taekwondo, họ có thêm triển vọng HCV ở các kỳ Olympic kế tiếp với tay vợt đơn nam Kunlavut Vitidsarn (HCB Olympic Paris 2024) và với lực sĩ cử tạ Theerapong Silachai ở hạng 61kg nam.

Với Indonesia, mất huy chương ở hạng cân 61kg nam trong môn cử tạ, họ có ngay HCV ở hạng cân 73kg nam cũng trong môn này, thuộc về Rizki Juniansyah…

Trái lại, với thể thao Việt Nam, hầu như không thể tìm được VĐV triển vọng cho kỳ Olympic kế tiếp, cũng không thể kể ra đâu là môn thi đấu mà Việt Nam có thể kỳ vọng vào việc giành huy chương ở các kỳ Olympic sau 4 năm hay 8 năm? VĐV Việt Nam hầu hết có thông số thi đấu kém rất xa so với đấu trường Olympic.

Đấy cũng là chi tiết rất khác giữa Olympic với SEA Games. Tại Olympic, các VĐV và các đoàn thể thao tranh huy chương, tranh thứ hạng bằng thông số kỹ thuật, trong khi ở đấu trường SEA Games, vẫn còn rất nhiều môn hơn thua nhau bởi yếu tố cảm tính (chấm điểm thông qua biểu diễn).

Thể thao Việt Nam tập trung quá nhiều vào việc tranh huy chương ở các môn mang tính cảm tính như thế này, khiến cho nguồn lực bị dàn trải và ngày càng bị các nước trong khu vực bỏ xa khi đến sân chơi danh giá là Olympic.

Thể thao Việt Nam còn nhiều hạn chế, như hệ thống thi đấu trong nước thiếu các giải đỉnh cao; các môn thể thao trọng điểm chưa có hệ thống thi đấu từ cấp tiểu học và phong trào tập luyện chưa phát triển rộng khắp; hệ thống cơ sở vật chất còn thiếu; thiếu lực lượng HLV trình độ cao, được đào tạo bài bản, đủ khả năng huấn luyện các VĐV tầm cỡ khu vực; khó thuê chuyên gia đẳng cấp thế giới do hạn chế về tiền lương; thiếu các loại thực phẩm chức năng chuyên sâu đảm bảo dinh dưỡng cho VĐV; chế độ đãi ngộ còn thiếu so với các nước trong khu vực và thế giới; thiếu nguồn lực để ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến.

Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt

NGÔ NHẬT

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/88/319500/the-thao-viet-nam-va-hoi-chuong-bao-dong-tu-that-bai-tai-olympic-2024.html