Thế tiến thoái lưỡng nan của Hàn Quốc

Các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ được coi là một biến số quan trọng trong cải thiện quan hệ liên Triều.

Việc Hàn Quốc và Mỹ có tiến hành tập trận chung thường niên - dự kiến vào tháng 8 - hay không có thể sẽ ảnh hưởng đến diễn tiến mối quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc hội thảo của các tư lệnh và sĩ quan chính trị Quân đội Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA/Yonhap

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc hội thảo của các tư lệnh và sĩ quan chính trị Quân đội Triều Tiên ở Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA/Yonhap

Quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đã bế tắc một thời gian và trở nên căng thẳng hơn khi chính quyền Kim Jong Un cho nổ tung tòa nhà chứa văn phòng liên lạc song phương ở Gaesong hồi tháng 6/2020. Sau đó, hai bên đã có những dấu hiệu tan băng khi khôi phục đường dây nóng liên lạc vào ngày 27/7, kỷ niệm 68 năm ngày ký hiệp định đình chiến kết thúc cuộc chiến 1950-53 trên Bán đảo.

Báo Korea Times dẫn lời ông Moon Sung Mook – một chuyên gia cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Hàn Quốc – nhận định, bầu không khí hòa giải giữa Seoul và Bình Nhưỡng không tự động mà có được với việc khôi phục các đường dây nóng. Ông chỉ ra rằng, phía Triều Tiên có thể yêu cầu Hàn Quốc hủy bỏ các cuộc tập trận như một "biện pháp trao đổi" cho việc quốc gia phía bắc đã hưởng ứng các nỗ lực hòa bình của Seoul bằng cách khôi phục liên lạc.

"Triều Tiên đã đáp lại lời kêu gọi của phía Nam về việc khôi phục liên lạc hôm 27/7, ngày mà Triều Tiên tuyên bố kỷ niệm chiến thắng (trong Chiến tranh Triều Tiên). Có khả năng Triều Tiên đã yêu cầu Hàn Quốc hủy bỏ tập trận chung với Mỹ", ông Moon bình luận. "Tại đại hội lần thứ 8 của Đảng Lao động Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã nêu 2 điều kiện tiên quyết cho đàm phán liên Triều: hủy bỏ các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn và ngừng đưa vào sử dụng các vũ khí tân tiến từ Mỹ".

Bình Nhưỡng từ lâu đã lên án các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, cho rằng đó là hình thức diễn tập xâm lược. Tại hội thảo dành cho các chỉ huy và sĩ quan chính trị của quân đội Triều Tiên được tổ chức ở Bình Nhưỡng trong các ngày 24-27/7, Chủ tịch Kim Jong Un tuyên bố "các thế lực thù địch tiếp tục nâng cao năng lực để thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu nằm vào CHDCND Triều Tiên và tăng cường vũ khí trong khi đẩy mạnh mọi loại cuộc tập trận điên cuồng và dai dẳng nhằm gây hấn", hãng thông tấn KCNA đưa tin.

Tuy nhiên, chuyên gia Moon tin rằng quan hệ liên Triều cũng sẽ không tốt đẹp hơn kể cả khi Hàn Quốc chấp nhận yêu cầu, vì Bình Nhưỡng không hề thể hiện cam kết nào trong cải thiện quan hệ song phương trong những năm gần đây khi Mỹ và Hàn Quốc thu nhỏ các cuộc tập trận thường kỳ mang tên Giải pháp Then chốt (Key Resolve), Đại bàng Non (Foal Eagle) và Người bảo vệ Tự do Ulchi.

Mỹ và Hàn Quốc thường tập trận chung vào mùa hè hàng năm. Ảnh: Yonhap

Mỹ và Hàn Quốc thường tập trận chung vào mùa hè hàng năm. Ảnh: Yonhap

Nhiều quan chức trong đảng cầm quyền ở Hàn Quốc bày tỏ hy vọng về một bầu không khí hòa giải lại xuất hiện trên Bán đảo và đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ phục hồi. Một số ý kiến cho rằng Seoul và Washington cần hủy tập trận chung để "thúc đẩy không khí đối thoại".

Hôm 30/7, một quan chức cấp cao thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói với báo chí rằng hai nước đồng minh nên hoãn tập trận chung, viện dẫn đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây ở cả Hàn Quốc và Mỹ, và khả năng có thể nối lại các chính sách ràng buộc đối với Triều Tiên.

Tuy nhiên, nhiều thành viên thuộc phe bảo thủ phản đối ý kiến này, cho rằng vấn đề tổ chức tập trận chung là tách biệt với nỗ lực thúc đẩy hòa giải giữa hai miền, bởi tập trận là để duy tri trì an ninh quốc gia.

Giới chuyên gia quân sự cũng có phản ứng khác nhau.

Theo ông Moon, có khả năng phía Hàn Quốc sẽ nêu vấn đề tập trận với Mỹ. Hôm 30/7, Bộ trưởng Quốc phòng Suh Wook và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm theo yêu cầu của phía Washington. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Choi Young-joon có kế hoạch tới thăm Mỹ vào tháng 9 tới để thảo luận về chính sách Triều Tiên.

Park Won-gon – giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Nữ sinh Ewha – nói rằng ông không thấy tập trận sẽ bị hủy vào lúc này, khi chỉ còn 10 ngày nữa là diễn ra.

"Các cuộc tập trận vào mùa hè đã được thu nhỏ đến mức không thể cắt giảm được nữa, khiến Hàn Quốc và Mỹ chỉ còn hai lựa chọn: hoặc loại bỏ hoàn toàn hoặc thực hiện theo kế hoạch", Korea Times dẫn lời nhận định của ông Park. "Vì mất khoảng 3-6 tháng để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung, rất khó để hai nước hủy bỏ hoặc điều chỉnh kế hoạch vào thời điểm cuối cùng này".

Thanh Hảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/han-quoc-doi-mat-the-tien-thoai-luong-nan-761787.html