Thế trận 'chủ động tiến công Covid-19 '

Cùng với các biện pháp phòng, chống mạnh mẽ: phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch - điều trị, một trong những chủ trương căn bản, mang tính chiến lược để đưa cuộc sống trở lại bình thường là mọi người dân đều được tiếp cận vắc-xin phòng Covid-19. Cho đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 130 triệu liều vắc-xin phòng dịch Covid-19. Tuy nhiên, nếu muốn tiêm chủng cho 75% dân số như mục tiêu đề ra, sẽ cần bổ sung thêm 20 triệu liều nữa.

Những tín hiệu vui

Quan điểm chỉ đạo thống nhất của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chính là bằng các giải pháp tiếp cận vắc-xin Covid-19 sớm nhất, bảo đảm cung cấp cho người dân một cách rộng rãi nhất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271 năm 2021, theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12,1 nghìn tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc-xin phòng dịch Covid-19. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19. Ngay sau đó, Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 được ban hành, nêu rõ nhiệm vụ của quỹ sẽ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin; nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Và tối 5-6, Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 đã được ra mắt tại Hà Nội.

Trước đó, từ ngày 8-3-2021, thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19, nước ta đã triển khai cho những người thuộc nhóm ưu tiên là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19; các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng; Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, các lực lượng công an, quân đội. Trong bối cảnh dịch bùng phát tại Bắc Giang, Bắc Ninh, Chính phủ đã chỉ đạo, để các khu công nghiệp (KCN) không bị gián đoạn sản xuất, công nhân, người lao động trong các KCN sẽ được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 đợt này. Do đó, cùng với số vắc-xin đã phân bổ trước đây, hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh có thêm 150.000 liều/tỉnh đợt này. Có thể thấy, đây là tiền đề để một số cơ sở sản xuất nằm trong KCN có đầy đủ điều kiện về an toàn chống dịch và có thể trở lại sản xuất.

Nỗ lực tiếp cận, tìm kiếm nguồn vắc-xin

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, Bộ Y tế nỗ lực tìm kiếm, đàm phán với các tập đoàn, công ty để sớm tiếp cận được các nguồn vắc-xin Covid-19. Đến nay, Bộ đã đàm phán thành công với các đối tác AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, và COVAX Facility. Dự tính đến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có khoảng 130 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Cho đến nay, Việt Nam đã chắc chắn được tài trợ 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, mua được 30 triệu liều từ AstraZeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc-xin theo cơ chế chia sẻ chi phí. Song do nhu cầu vắc-xin của toàn thế giới tăng cao, ngay trong thư cam kết các hãng cũng cho biết, kế hoạch này vẫn có thể bị chậm lại.

Các chuyên gia nhận định, để thực hiện những chiến lược tiếp cận vắc-xin nhanh nhất, rộng nhất, yếu tố rất quan trọng là nguồn tài chính phải được bảo đảm. Bộ Tài chính cho hay, theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến Việt Nam sẽ cần mua 150 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Tổng kinh phí ước khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó kinh phí mua vắc-xin khoảng 21.000 tỷ đồng; còn tiền vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng khoảng 4.200 tỷ đồng. Bởi vậy, bên cạnh 12,1 nghìn tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 thì việc huy động sự đóng góp, ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) tham gia đồng hành cùng góp tài chính cho Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19 là rất cần thiết.

Một tín hiệu đáng mừng, Bộ Y tế mới đây tiếp nhận hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng từ các tập đoàn, DN cho việc mua và tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Ngoài ra, nhiều tập đoàn, DN, cá nhân khác trên cả nước, từ khi xảy ra dịch bệnh, cũng đã có những nghĩa cử chung tay cùng chính quyền các cấp và chia sẻ tương thân, tương ái với cộng đồng. Sự chủ động vào cuộc, tự chủ về kinh phí mua vắc-xin và tiêm phòng của một số DN và các tổ chức, đơn vị, cá nhân khác cho chương trình tiêm ngừa căn bệnh này là hành động tích cực, mang giá trị nhân văn và đầy ý nghĩa.

Thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước

Mục tiêu của nước ta là bảo đảm vắc-xin tiêm chủng không chỉ trong năm 2021 mà còn cả những năm tiếp theo. Để bảo đảm an ninh vắc-xin, vấn đề phòng, chống dịch trong nước và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, Bộ Y tế đã phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các phương thức như đàm phán mua công nghệ, hợp tác về công nghệ, hợp tác trong nghiên cứu, sản xuất vắc-xin với mục tiêu đến năm 2022 nước ta sẽ có vắc-xin phòng Covid-19 “made in Vietnam”.

Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen, một trong ba đơn vị chạy đua sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 trong nước cho biết, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai của vắc-xin Nano Covax được đánh giá an toàn, sinh miễn dịch tốt. Theo đó, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai (từ ngày 26-2-2021) của vắc-xin Nano Covax được tiến hành trên 560 người chia làm bốn nhóm, tiêm ba mức liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg vắc-xin Nano Covax cùng một nhóm tiêm giả dược. Cả ba mức liều đều bảo đảm độ an toàn. 100% số người được tiêm ba mức liều kể trên đều sinh miễn dịch ở các mức độ khác nhau. Vắc-xin này cũng có hiệu quả trên một số biến thể mới của SARS-CoV-2. Với vắc-xin Covivac do Viện Vắc-xin và sinh phẩm - IVAC (thuộc Bộ Y tế) nghiên cứu, dự kiến thử nghiệm lâm sàng pha I vào tháng 7-2021 và hoàn thành pha II vào tháng 12-2021; pha III có thể bắt đầu vào đầu năm 2022.

Lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19. Các nhà khoa học trong nước có thể cho ra đời vắc-xin có khả năng bảo vệ trước sự xuất hiện biến thể mới của SARS-CoV-2. Hội đồng Đạo đức của Bộ Y tế đánh giá vắc-xin của Nanogen có đủ điều kiện bước vào cuộc thử nghiệm cuối cùng vào trung tuần tháng 6 với liều được chọn là 25 mcg. Với khả năng trung hòa được nhiều loại biến thể vi-rút mới, có nhiều nước liên hệ với Nanogen để hợp tác cùng thử nghiệm giai đoạn cuối cùng (giai đoạn ba), trước khi được cấp phép tiêm cho người dân. Ngoài kế hoạch thử nghiệm vắc-xin ở Việt Nam, Công ty Nanogen xúc tiến thử nghiệm cùng lúc ở hai nước gồm Phi-li-pin và Mô-dăm-bích (nơi có biến chủng Nam Phi). Nếu thành công, có thể Việt Nam sẽ có vắc-xin “made in Vietnam” đầu tiên vào cuối năm nay.

Bài học từ các làn sóng dịch Covid-19 trước đây cho thấy, vi-rút ngày càng tiến hóa và đợt dịch sau thường nguy hiểm hơn đợt trước. Bởi vậy, vắc-xin là một trong các yếu tố quan trọng để chuyển từ phòng ngự sang chủ động tiến công dịch bệnh. Tin rằng với “5K + Vắc-xin + công nghệ”, Việt Nam sẽ sớm khống chế thành công dịch bệnh, tạo tiền đề để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội.

Vắc-xin Covid-19 của hãng Astra Zeneca (Vương quốc Anh) được tiêm cho đội ngũ phóng viên y tế TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 5-2021. Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Vắc-xin Covid-19 của hãng Astra Zeneca (Vương quốc Anh) được tiêm cho đội ngũ phóng viên y tế TP Hồ Chí Minh vào đầu tháng 5-2021. Ảnh: HOÀI THƯƠNG

HIẾU DÂN, NAM KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/doi-song-xa-hoi/the-tran-chu-dong-tien-cong-covid-19--651343/