'Thế trận lòng dân' - Nền tảng của quốc phòng Việt Nam

Để tiếp tục phát huy truyền thống của Quân đội anh hùng, vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) đã ra Chỉ thị số 381-CT/TW, lấy ngày 22/12 - Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam là Ngày hội Quốc phòng toàn dân.

Từ đây, ngày 22/12 hằng năm trở thành Ngày hội bảo vệ Tổ quốc, tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, là dịp phát huy truyền thống yêu nước, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Sau 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, quân và dân ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhân dân là chủ thể của nền quốc phòng

Lực lượng Hải quân tại quần đảo Trường Sa thường xuyên luyện tập, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ảnh: TTXVN

Lực lượng Hải quân tại quần đảo Trường Sa thường xuyên luyện tập, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ảnh: TTXVN

Chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, dựa vào dân, phát huy sức mạnh toàn dân để xây dựng quốc phòng là luận điểm cách mạng, khoa học quan trọng, xuyên suốt trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quyết định lấy ngày 22/12 hằng năm làm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là chủ trương đúng đắn của Đảng, tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa giữ nước thời đại Hồ Chí Minh; góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần - yếu tố quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Đánh giá qua 30 năm thực hiện Ngày hội Quốc phòng toàn dân, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nêu rõ: Ngày 22/12 hằng năm đã thực sự trở thành ngày hội của non sông, đất nước, góp phần phát huy truyền thống đấu tranh giữ nước của dân tộc, tôn vinh chiến công, hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; là sự hội tụ ý chí, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị; trong đó, Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt. Nhiệm vụ của nền quốc phòng không chỉ là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà còn phải bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; chủ động đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nhân dân phải là chủ thể của nền quốc phòng. Mọi người dân, mọi tổ chức chính trị - xã hội đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện.

Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 cũng đã thể hiện rõ: “Nền quốc phòng toàn dân được xây dựng trên nền tảng “thế trận lòng dân”, biểu hiện ở lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự đồng thuận, tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới về chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, vào khả năng và sức mạnh tổng hợp của đất nước, sức mạnh vô địch của nhân dân và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc."

Tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong “xây dựng thế trận lòng dân”, tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, giúp nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch, nhất là ở các địa bàn chiến lược, trọng yếu về quốc phòng, an ninh; giữ vững bản chất, truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; tăng cường mối quan hệ mật thiết quân - dân, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân là xây dựng cả lực lượng và thế trận; xây dựng tiềm lực mọi mặt, đặc biệt là tiềm lực chính trị - tinh thần; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và hệ thống chính trị vững mạnh, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc. Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng cho rằng cơ sở quan trọng nhất tạo nên sức mạnh quốc phòng Việt Nam là sức mạnh chính trị - tinh thần, sức mạnh của lòng dân, khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, quân với dân; sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, đoàn kết, thống nhất của Đảng.

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, Việt Nam thường phải chiến đấu với kẻ thù có tiềm lực hơn gấp nhiều lần. Trong điều kiện hiện nay, nền kinh tế, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, công nghiệp quốc phòng của Việt Nam còn nhiều hạn chế so với các nước tiên tiến. Do đó, theo Thượng tướng Lê Chiêm, để bảo vệ Tổ quốc, cần phát huy sức mạnh tổng hợp của quốc gia, dân tộc, lấy sức mạnh quân sự làm nòng cốt.

Sức mạnh đó được thể hiện ở tính ưu việt và sự vững bền của chế độ, khả năng đứng vững và phát triển của nền kinh tế, của xã hội được mọi thử thách và khả năng ứng phó có hiệu quả với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra trong điều kiện mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, hợp tác, cạnh tranh với các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của Quân đội

Lực lượng xe thiết giáp của Bộ Tư lệnh Thủ đô tham gia Diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2019. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Lực lượng xe thiết giáp của Bộ Tư lệnh Thủ đô tham gia Diễn tập khu vực phòng thủ thành phố Hà Nội năm 2019. Ảnh: Nguyễn Cúc/TTXVN

Quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, bao gồm tổng thể các hoạt động chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa, khoa học… của Nhà nước và nhân dân để tạo nên sức mạnh toàn diện, cân đối, đồng bộ, trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, lực lượng vũ trang là nòng cốt, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định đất nước, ngăn chặn các hoạt động phá hoại, gây chiến, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh bại chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức, quy mô.

Nền quốc phòng toàn dân là sự cụ thể hóa chính sách quốc phòng của Việt Nam. Điều này được thể hiện ở cơ cấu, tổ chức, hoạt động của các ngành, các cấp và của toàn dân theo một chiến lược thống nhất, nhằm tạo ra sức mạnh hiện thực để bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng lên. Chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định được giữ vững, tạo điều kiện quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân được củng cố, gắn kết chặt chẽ hơn. Sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được tăng cường…

Trải qua thời gian, sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại đến nay đã có nhiều chuyển biến quan trọng. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội từng bước được sắp xếp, kiện toàn tổ chức biên chế, có khả năng cơ động cao, trong đó ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng như: hải quân, phòng không - không quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật… Công tác huấn luyện được coi trọng, đổi mới toàn diện. Toàn quân thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”.

Cùng với xây dựng bộ đội chủ lực vững mạnh, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ hùng hậu, rộng khắp. Thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên (1996), Pháp lệnh Dân quân tự vệ (2004) và Luật Dân quân tự vệ (2009), các bộ, ngành, Trung ương và các địa phương đã duy trì thực hiện có nền nếp chế độ đăng ký, quản lý quân nhân dự bị, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân.

Từ đó, chất lượng các đơn vị dự bị động viên từng bước được nâng cao. Lực lượng dân quân tự vệ có số lượng phù hợp theo quy định. Đội ngũ cán bộ ban chỉ huy quân sự được củng cố, kiện toàn. Đến nay, 100% ban chỉ huy quân sự các bộ, ngành Trung ương đến cấp cơ sở được kiện toàn, củng cố. Toàn quốc đã đào tạo được trên 24.000 cán bộ quân sự cấp xã chuyên ngành quân sự cơ sở, qua đó nâng cao trình độ, năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

Hằng năm, vào Ngày hội Quốc phòng toàn dân, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân có nhiều hoạt động với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo như: mít tinh, hội thảo, ngày hội văn hóa quân - dân; gặp mặt, nói chuyện truyền thống; thăm hỏi, động viên các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, các gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh… Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao, hội thao quân sự trong lực lượng vũ trang được tổ chức.

Đại tướng Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, khẳng định, nhờ kết hợp tốt các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, động viên nhân dân trong Ngày hội Quốc phòng toàn dân với thực hiện có hiệu quả các hoạt động quân sự, quốc phòng thường xuyên mà nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân về sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc được nâng lên. Các tiềm lực của khu vực phòng thủ, của nền quốc phòng toàn dân được xây dựng vững mạnh, sẵn sàng huy động nhân tài, vật lực, động viên quốc phòng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, những kết quả trên có được là do sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, ngành, các địa phương, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng mà Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt. Điều này đã khẳng định rõ: Việc xây dựng, củng cố, phát huy nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị - trách nhiệm của cả dân tộc Việt Nam.

Để vận dụng, phát huy hơn nữa vai trò của Ngày hội Quốc phòng toàn dân, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp với các ngành, cơ quan quân sự trong việc tổ chức, gắn việc tổ chức Ngày hội với triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động ở địa phương. Đồng thời, cơ quan quân sự các cấp cần có hướng dẫn cụ thể cách thức, nội dung cũng như việc lựa chọn chủ đề của từng năm để tổ chức Ngày hội phù hợp, hấp dẫn, tạo hiệu quả tuyên truyền mạnh mẽ nhằm tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống quân đội anh hùng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, cần huy động được tiềm lực của cả quốc gia để xây dựng nền quốc phòng toàn dân mạnh cả về lực lượng và thế trận, phù hợp với điều kiện của đất nước, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ Tổ quốc; không chỉ là một nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại mà cần đảm bảo cả sự thống nhất về tổng thể và chiều sâu, theo hướng vững chắc trên địa bàn cả nước, mạnh ở từng trọng điểm. Đó còn phải là nền quốc phòng toàn dân được xây dựng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp các loại hình tổ chức kinh tế - xã hội và từng vùng, miền, nhằm không ngừng tăng cường nguồn lực xã hội, củng cố sức mạnh cho quốc phòng Việt Nam.

Hiền Hạnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/quoc-phong/the-tran-long-dan-nen-tang-cua-quoc-phong-viet-nam-20191216090800801.htm