Thế trận Mỹ-Nga-Trung sau vụ thử tên lửa mới nhất
Ngay sau khi rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), ngày 18/8, Mỹ đã thử nghiệm tên lửa với tầm bắn hơn 500km.
Hôm nay, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói Moscow lấy làm tiếc trước việc Mỹ thử loại tên lửa vốn bị cấm theo INF. Theo nhà ngoại giao Nga, động thái này cho thấy Washington từ lâu đã chuẩn bị cho việc rút khỏi hiệp ước, có nội dung hạn chế Nga và Mỹ chạy đua vũ trang hạt nhân.
Ông Ryabkov nhấn mạnh Nga sẽ không bị lôi kéo vào một cuộc đua vũ trang và cũng sẽ không triển khai tên lửa trừ khi Mỹ làm điều đó, theo Sputnik.
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi tiếp nhận thông tin về những gì đã diễn ra với thái độ bình tĩnh. Chúng tôi cũng dự đoán trước tình hình sẽ diễn biến theo chiều hướng này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không để bị lôi kéo vào một cuộc đua vũ trang tốn kém”, ông Ryabkov nói.
Được ký vào năm 1987, INF bắt buộc hai bên tham gia là Nga và Mỹ loại bỏ, không phát triển các loại tên lửa đạn đạo mặt đất và tên lửa hành trình với tầm bắn từ 500-5500km.
Với tầm bắn của loại tên lửa vừa được thử nghiệm theo như tuyên bố của phía Mỹ là trên 500km, đó hoàn toàn là đối tượng của INF. Mỹ rút khỏi hiệp ước này từ đầu tháng 8/2019.
Loại tên lửa Mỹ vừa thử nghiệm, theo một phân tích trên National Interest, có vẻ là một phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa hành trình Tomahawk mà Mỹ đã triển khai các phiên bản trên hạm và trên không.
Trước đây, Mỹ đã triển khai một phiên bản tên lửa Tomahawk phóng đi từ mặt đất từ năm 1983 đến 1991. Tên lửa này có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn gần 2600km. INF buộc Mỹ phải thu hồi 400 tên lửa hạt nhân bắn đi từ mặt đất với tầm bắn từ 500km tới 5500km, Nga phải thu hồi 1500 tên lửa tương tự.
Theo bài của National Interest, Mỹ phải chịu trách nhiệm vì chính hành vi gây hấn của họ. Vào năm 2015, Lầu Năm Góc bắt đầu triển khai một số hệ thống phòng thủ tên lửa ở Romania. Tên lửa đánh chặn SM-3 được thiết kế để đánh trúng các tên lửa đạn đạo của Iran nếu chúng được phóng nhằm vào các lực lượng Mỹ, nhưng không có năng lực chống các tên lửa hạt nhân tầm trung bắn đi từ châu Âu.
Tờ báo Mỹ nói năm 2017, Nga được cho là đã triển khai tên lửa tầm trung SSC-9 ở biên giới phía tây và điều này vi phạm INF. Đầu năm nay, Nga cho trưng bày SSC-8 (còn gọi là 9M729) và khẳng định tầm bắn của tên lửa này không vi phạm INF.
Trong khi đó, chính quyền Trump xúc tiến các kế hoạch chế tạo vũ khí hạt nhân mới, bao gồm cả các vũ khí nguyên tử “chiến thuật” mà họ sẵn sàng sử dụng hơn là các loại vũ khí chiến lược lớn hơn và uy lực hơn.
Tuy nhiên, theo một phân tích trên militarywatch, việc triển khai kho vũ khí tiên tiến và đa dạng về chủng loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc và ở quy mô thấp hơn là Triều Tiên đã ngày càng làm xói mòn vị thế quân sự của Mỹ ở Đông Bắc Á trong thập niên 2010.
Trong khi đó, tham gia INF khiến Mỹ không thể đáp trả bằng việc triển khai những hệ thống vũ khí tương tự. Cả Trung Quốc và Triều Tiên đã triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm và hai loại nổi tiếng nhất là “sát thủ tàu sân bay” DF-21D và DF-26 được cho là có thể tấn công tàu chiến Mỹ ở khoảng cách rất xa với tốc độ siêu thanh (từ Mach 5 trở lên. Mach 1 tương đương 1235km/h) với đầu đạn công ước hoặc đầu đạn hạt nhân.
Vì thế, có thể nói khi thoát khỏi INF, Mỹ có thể đã thực thi đòn “dương đông kích tây” và mục tiêu của việc này chủ yếu là Trung Quốc, chứ không phải Nga.