Thế vận hội Olympic: Canh bạc đầu tư của các quốc gia

Kể từ lần đăng cai đầu tiên vào năm 1896, Thế vận hội Olympic đã được tổ chức ở nhiều thành phố lớn. Sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này được xem là 'cơ hội vàng' để các quốc gia quảng bá hình ảnh, tạo điều kiện cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn hoặc kế hoạch tái phát triển được diễn ra nhanh chóng. Thế nhưng, những vấn đề để lại đằng sau đó, khi Thế vận hội kết thúc sẽ là gì?

Chủ nghĩa đô thị Olympic

Với sự khởi đầu khá khiêm tốn, Thế vận hội Olympic hiện đại đã được mở rộng đáng kể trong nhiều năm qua với vô số môn thể thao mới được đưa vào, ngày càng nhiều quốc gia tham dự hơn và số lượng vận động viên cũng tăng theo, điều đó đòi hỏi cơ sở hạ tầng cần phải được đầu tư quy mô hơn và việc tổ chức phải ở vị trí các khu đô thị lớn hơn.

Các ý kiến về ích lợi của việc đăng cai Thế vận hội đang gây nhiều tranh cãi, một bên cho rằng khoản đầu tư cho Olympic mang lại hiệu quả thấp, trong khi một bên coi đây là cơ hội tuyệt vời để cải thiện cơ sở hạ tầng, nhà ở và mang lại sức sống, sự phát triển mới cho các khu vực kém phát triển trước đây.

Làng Olympic Montreal 1976 - Ảnh: Archdaily

Việc đăng cai Thế vận hội hiện được xem là vấn đề lớn mà ít có thành phố nào đáp ứng được. Hơn nữa, vô số câu chuyện về “thất bại Olympic” cũng khiến các thành phố phải “chùn chân” trong việc cạnh tranh để được đăng cai sự kiện này. Theo thời gian, giá thầu để tổ chức Thế vận hội cũng đã giảm nhưng trên thực tế, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này lại trở nên đắt đỏ ở mỗi lần tổ chức.

Nếu như ở Đại hội thể thao năm 2004, 11 thành phố đã cạnh tranh để xem thành phố nào được đăng cai thì ở phiên bản năm 2020, chỉ có 5 thành phố. Tuy nhiên, các quyết định liên quan đến đến Thế vận hội lại có ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển, kinh tế và cảnh quan đô thị của thành phố. Thành phố đăng cai hoặc tận dụng sự kiện này, tạo ra sự phát triển đô thị đột phá hoặc kết thúc bằng một loạt các công trình kiến trúc nằm đắp chiếu và hiệu quả thấp. Do đó, khả năng thích ứng và tính linh hoạt của quy hoạch tổng thể là điều quan trọng cùng với các giá trị lâu dài mà Thế vận hội mang lại cho cộng đồng.

Di sản của Thế vận hội

Một trong những câu chuyện thành công lớn nhất của chủ nghĩa đô thị Olympic là Thế vận hội Barcelona năm 1992, khi thành phố sử dụng sự kiện này để xúc tác cho quá trình đổi mới đô thị quan trọng. Những thành công đó được đánh giá cao và kể từ đó, các thành phố đăng cai khác đã cố gắng nhân rộng mô hình này. Thành phố Barcelona đã quy hoạch tổng thể liên quan đến việc tái sử dụng các công trình lịch sử, các bãi biển và việc tạo ra các đường vành đai làm giảm đáng kể sự ách tắc giao thông ở trung tâm. Hơn nữa, thành phố đã quyết định trải rộng các địa điểm tổ chức xung quanh vùng Catalonia thay vì phát triển tập trung Công viên Olympic, tạo tiền đề để phát triển bền vững cho các công trình di sản.

Sau đó, London đã bắt đầu nhân rộng mô hình bằng cách đầu tư vào Stratford, một khu vực kém phát triển của thành phố với nỗ lực xoa dịu tình trạng bất bình đẳng và tái cân bằng nền kinh tế trong khu vực. Tầm nhìn cho Làng Olympic được hình thành xung quanh ý tưởng tạo ra một khu phố mới sôi động với tất cả các tiện ích, bao gồm các khu mua sắm, công viên và cơ sở hạ tầng giao thông.

Làng Olympic London 2012 - Ảnh: Archdaily

Thế nhưng, Thế vận hội ở Rio de Janeiro lại là một câu chuyện khác. Thành phố có kế hoạch mở rộng bao gồm cơ sở hạ tầng, các tuyến tàu điện ngầm, sửa chữa hải cảng và thậm chí là dọn sạch rác xung quanh các vịnh biển. Tuy nhiên, những gì để lại cho thành phố chỉ là việc kết nối giao thông tốt hơn và một khu vực cảng được cải tạo. Điều này đã đặt ra câu hỏi là liệu Rio de Janeiro có được hưởng lợi ích lâu dài từ sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này không.

Hiệu ứng “con voi trắng”

“Con voi trắng” là hình ảnh ẩn dụ về một vật sở hữu mà chủ nhân của nó không thể vứt bỏ. Nó dùng để mô tả một đối tượng, có thể là dự án xây dựng, một cơ sở liên doanh hay một sự kiện… có vốn đầu tư lớn nhưng không có hiệu quả hoặc giá trị tương đương so với chi phí vốn hoặc chi phí vận hành, bảo dưỡng đã bỏ ra. Đối với các thế vận hội, nó là những thứ liên quan đến kiến trúc Olympic và là các địa điểm tổ chức.

Công viên Olympic Rio 2016 - Ảnh: Archdaily

Ở lần đăng cai Olympic Athens 2004 và Bắc Kinh 2008 đã để lại một tòa nhà bị bỏ hoang sau sự kiện do quy mô địa điểm lớn, chức năng hạn chế và chi phí bảo trì cao. Kế hoạch sau đó của Athens là chỉ giữ lại những địa điểm cần thiết và chuyển đổi những địa điểm khác đã bị thất bại do cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tương tự, đối với Olympic 2016, Rio de Janeiro đã cho tháo gỡ 1 vài địa điểm tổ chức các môn thi đấu. Ngoài ra, sân vận động chính của London do Populous thiết kế đã giải quyết vấn đề “voi trắng” bằng cách tạo ra khả năng giảm quy mô, với một địa điểm chính để sử dụng lâu dài và một số nơi được thiết kế tạm thời, linh hoạt để có thể dỡ bỏ sau Thế vận hội. Chiến lược tương tự đã được áp dụng với các địa điểm thi đấu thể thao khác,

Các ngôi làng Olympic

Ngoài việc các địa điểm thi đấu dành cho Thế vận hội mùa hè có khi lên đến 35 địa điểm thì chúng ta không thể không nói tới “Làng Olympic”, nơi cung cấp chỗ ở và tiện nghi, cơ sở vật chất cho các vận động viên và nhân viên. Thế vận hội tại Helsinki năm 1952 là lần đầu tiên “làng Olympic” được đưa vào sử dụng và được chuyển đổi thành khu nhà ở ngay sau đó. Ngày nay, mỗi kỳ Olympic có khoảng 11.000 vận động viên và 5.000 nhân viên, đòi hỏi phải có chỗ ở, cơ sở y tế, không gian luyện tập và cơ sở hạ tầng kết nối các địa điểm, thuận tiện cho việc đi lại.

Đối với Thế vận hội Atlanta 1996, Làng Olympic được xây dựng trong khuôn viên Học viện Công nghệ Georgia, sau đó được chuyển đổi thành ký túc xá cho sinh viên. Olympic Sydney 2000 thì chuyển đổi một khu dân cư ngoại ô thành chỗ ở tạm thời cho các vận động viên trong suốt sự kiện. Khu vực này sau đó trở thành địa điểm được săn đó sau sự kiện.

Sân vận động Olypic Tokyo 2020 - Ảnh: Archdaily

Chủ nghĩa đô thị Olympic là một vấn đề rộng lớn. Mỗi phiên bản là một nghiên cứu điển hình về kiến trúc, xã hội, đô thị trước và sau sự kiện. Các ví dụ cho thấy Thế vận hội đã thúc đẩy sự phát triển đối với một số thành phố và ngược lại, cũng phát sinh rất nhiều vấn đề với những thành phố đăng cai.

Thậm chí, sự kiện thể thao quy mô nhất hành tinh này được so sánh như một “canh bạc đầu tư”. Ủy ban Olympic Quốc tế đã nỗ lực để biến Thế vận hội trở thành một sự kiện bền vững hơn ở khía cạnh kinh tế – xã hội – môi trường.

Và chúng ta hãy chờ xem Nhật Bản sẽ giải quyết các vấn đề đó như thế nào khi Thế vận hội Tokyo 2020 kết thúc.

Thiên Di

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/the-van-hoi-olympic-canh-bac-dau-tu-cua-cac-quoc-gia-169383.html