Thế ỷ giốc Nhật Bản - EU
Ngày 27-9 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức diễn đàn kết nối Á-Âu tại Brussel (Bỉ). Tại diễn đàn này, hai bên cùng ký kết một thỏa thuận quan trọng để khởi động các dự án chung, xây dựng cơ sở hạ tầng và thiết lập các tiêu chuẩn phát triển.
Mỹ muốn tái đàm phán thương mại với EU, Nhật Bản và Anh
Thỏa thuận này được xem là sự tham gia chính thức của Nhật Bản vào “Chiến lược kết nối với châu Á” mà EU trước đây đã đề xuất.
Khi đối thủ lộ diện
EU là tập hợp của 28 quốc gia châu Âu, với quy mô kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, còn Nhật Bản là nền kinh tế đứng thứ tư. Với nguồn tài chính dồi dào cùng các chính sách hỗ trợ rộng rãi, cả EU và Nhật đều là những nhà tài trợ quan trọng trong những dự án phát triển. Đã có thời, các quốc gia đang phát triển phải chạy theo hai gã khổng lồ này để tìm kiếm những sự trợ giúp, những hỗ trợ về vốn và các nguồn lực khác. Nhưng nay, tình thế đã dần thay đổi.
Sự lớn mạnh của Trung Quốc trong 20 năm qua, với điểm nhấn là sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (BRI) từ năm 2013 nhằm phục hưng con đường tơ lụa trên biển, nối liền hệ thống cảng biển của Trung Quốc với các cảng chính ở khu vực Đông Nam Á, Nam Á tới châu Phi và cả châu Âu, tạo nên một hành lang thông suốt cho thương mại Á - Âu - Phi qua Ấn Độ Dương dựa trên hệ thống cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ, đã tạo nên cho cả EU lẫn Nhật Bản một đối thủ cạnh tranh ghê gớm.
Là một đại dự án, BRI sẽ trở thành mạng lưới kết nối các tuyến đường bộ, đường biển, đường sắt của khoảng 65 quốc gia với tổng GDP khoảng 23.000 tỷ USD, tương đương 1/3 GDP toàn cầu, liên kết 60% dân số thế giới. So với Kế hoạch Marshall mà Mỹ từng thực hiện nhằm tái thiết châu Âu sau Thế chiến 2 thì quy mô và phạm vi của BRI còn lớn hơn nhiều.
“Một vành đai, một con đường” tuy không nhắm đến châu Âu nhưng vẫn sẽ là bức trường thành ngăn cách EU với những khu vực kinh tế đang phát triển. Ở châu Phi - khu vực ảnh hưởng truyền thống của các quốc gia EU, vai trò và tiếng nói của Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh mẽ. Trong khi đó, những quốc gia châu Á, do ở quá gần, đã và đang bị hút dần về phía Trung Quốc.
Sự phát triển chóng mặt của “con rồng Trung Hoa” đã làm thay đổi cán cân quyền lực ở những khu vực này. Thậm chí, nhiều quốc gia châu Âu cũng đã nhận tài trợ phát triển từ Trung Quốc chứ không phải EU nữa.
Điều này buộc EU phải hành động.
Và “Chiến lược kết nối châu Á” đã được giới thiệu chính thức từ Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu năm 2018, 5 năm sau khi sáng kiến Vành đai - Con đường chính thức ra mắt.
Khi hai gã khổng lồ cô đơn
Khi kinh tế phát triển, tầm ảnh hưởng chính trị sẽ lớn dần theo. Với “Một vành đai, một con đường”, Trung Quốc đã chính thức hóa việc dùng tiền để mua lấy ảnh hưởng chính trị tại những quốc gia đang phát triển, cạnh tranh trực tiếp quyền lợi của EU và Nhật Bản. Nhờ đó, Trung Quốc đưa tầm ảnh hưởng của mình tới sát nách châu Âu, đồng thời thâu tóm các thị trường mới nổi ở phía Nam.
Họ tăng cường đầu tư khắp nơi, dồn dập thâu tóm cảng biển, nhà máy điện, mạng lưới đường sắt và nhiều công nghệ mũi nhọn vốn là thế mạnh của các nước châu Âu. Nếu không có biện pháp chủ động đối phó, EU sẽ mất dần ảnh hưởng kinh tế - chính trị ở cả châu Á lẫn châu Phi, thậm chí ngay trên “lục địa già”.
Nhật Bản cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Dù là quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn tại Châu Á, nhất là Đông Nam Á trước đây nhưng sự lớn mạnh của Trung Quốc vài năm qua đã làm suy giảm “sức mạnh mềm” ấy. Những nỗ lực gây ảnh hưởng thông qua các khoản cho vay, các gói hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản trong những năm qua đã không còn đủ sức nặng nữa, bởi quy mô của nền kinh tế Nhật giờ đây đã trở nên quá nhỏ bé so với Trung Quốc (số liệu năm 2018 cho thấy GDP của Nhật Bản là 4.900 tỷ USD, còn Trung Quốc là 13.600 tỷ). Họ cần một đồng minh mới trong cuộc đương đầu với người hàng xóm đầy tham vọng.
Sự lớn mạnh của Trung Quốc là không thể không nhắc tới nhưng vẫn còn một lý do nữa đẩy EU và Nhật Bản xích lại gần nhau: nước Mỹ. Ông “anh lớn” của khối “dân chủ” phương Tây kể từ thời của Tổng thống Donald Trump đã thay đổi chính sách của mình trong các vấn đề quốc tế.
Việc Mỹ rút dần khỏi các thỏa thuận đa phương, rồi liên tục bỏ rơi các đồng minh khiến cho cả EU và Nhật Bản không khỏi “bâng khuâng”. Và rồi cũng đến lúc những người khổng lồ phải tự tìm lối thoát.
Cái bắt tay cần thiết
EU vẫn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, với GDP năm 2018 đạt 17.100 tỷ USD. Với mô hình liên kết nội khối gồm 28 quốc gia cùng phát triển, EU mang đến cho thế giới một hình mẫu đáng để mơ ước. Cuộc mở rộng về phía Đông vẫn được tiến hành và giờ họ cũng thấy cần có một bước phát triển mới.
Tuy EU không xác nhận chính thức nhưng ai cũng hiểu “Chiến lược kết nối châu Á” nhằm mở rộng quan hệ hợp tác của EU với các đối tác bên ngoài và đối phó với kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Chiến lược được công bố sau khi EU nhận thấy phải có một chính sách phù hợp khi Mỹ ngả theo hướng bảo hộ còn ở phía Đông, nước Nga vẫn luôn có mối quan hệ hòa hảo với Trung Quốc.
“Chiến lược kết nối châu Á” sẽ cho các nước châu Âu và châu Á thêm một lựa chọn nữa trong phát triển: Hoặc tham gia các dự án do Trung Quốc khởi xướng hoặc cộng tác với các EU. Nhưng, đường tới châu Á sẽ không thể rộng mở nếu EU không có được một cánh cửa mở sẵn.
Nhật Bản dĩ nhiên là lựa chọn tốt nhất. Đối tác ấy có sự tương đồng về trình độ phát triển, cùng tư duy nhận thức trong nhiều vấn đề và đang thực sự khao khát những đồng minh mới, trong bối cảnh cũng đang mất dần vị thế trong khu vực. Khi châu Á đang ngày càng nổi lên là tâm điểm cạnh tranh địa chính trị, việc có thể lôi kéo một đại diện ưu tú như Nhật Bản về phía mình có thể coi là thắng lợi của EU.
Sau thỏa thuận Thương mại Tự do (FTA) năm 2017, nền kinh tế EU và Nhật Bản đã liên tục tăng cường tính kết nối. Với quy mô khổng lồ của khu vực thương mại tự do chiếm tới 1/3 GDP toàn cầu này, cả hai sẽ có đủ nguồn lực để đương đầu với Trung Quốc, thậm chí kể cả Mỹ, trong những vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới.
Tham gia vào kế hoạch này, EU giúp Nhật Bản tăng cường năng lực cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi Nhật Bản có thể giúp EU đẩy lùi tham vọng của Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng sang khu vực châu Âu. Cả hai sẽ cùng tăng cường tiềm lực tài chính, gia tăng độ tin cậy với các đối tác.
Có thể nói, Nhật Bản sẽ giống như một thành viên thứ 29 của EU, bên ngoài lãnh thổ châu Âu, là hình mẫu cho các quốc gia châu Á khác nếu có nguyện vọng tham gia vào khối liên hiệp này. Ngoài FTA với Nhật Bản, EU còn có các hiệp định tương tự với Hàn Quốc và Singapore, cũng như đã hoàn thành đàm phán với Việt Nam. Nếu 3 quốc gia này cùng tham dự vào “cuộc chơi lớn”, các nhà hoạch định BRI sẽ không có lý do gì để hài lòng...
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/the-y-gioc-nhat-ban-eu-566439/