Thêm 1 chỉ dẫn địa lý của Nhật Bản được bảo hộ tại Việt Nam
Đó là bảo hộ chỉ dẫn địa lý 'ICHIDA GAKI/ICHIDA KAKI/HỒNG ICHIDA' cho sản phẩm quả hồng sấy khô nổi tiếng của Nhật
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “ICHIDA GAKI/ICHIDA KAKI/HỒNG ICHIDA” cho sản phẩm quả hồng sấy khô. Minami Shinshu Agricultural Cooperative Association là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Sau thời gian dài nghiên cứu và cải tiến từ phương pháp trồng trọt đến chế biến, quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI” đã trở nên hoàn thiện với màu sắc và mùi vị tuyệt vời. Khi xuất hàng ra thị trường tại Tokyo vào năm 1921, nó đã được đặt tên là “ICHIDA GAKI” lấy tên từ nơi xuất xứ. Ngày nay, quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI” trở thành một loại thực phẩm được bảo quản để ăn từ tháng 1 đến tháng 2 và đã trở thành truyền thống theo mùa của khu vực địa lý.
Quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI” - Ảnh: Cục SHTT
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, nguyên liệu của quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI” là loại hồng có kích thước tương đối nhỏ với trọng lượng khoảng 100 - 120gr, vì vậy hồng sấy khô “ICHIDA GAKI”có khối lượng trung bình chỉ khoảng 25gr/quả.
Bề mặt quả được phủ hoàn toàn bởi một lớp phấn trắng và mịn, thịt quả có màu hổ phách sáng, kết cấu phần thịt dẻo dính, mềm, mịn và hầu như không có xơ, vị quả ngọt đậm tự nhiên. Vị ngọt được thể hiện qua độ Brix của quả hồng sấy khô tối đa là 65 - 70%; độ ẩm trung bình từ 27 - 34%.
Công đoạn phơi sấy công phu
Để có được vị ngọt đậm tự nhiên của quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI”, công đoạn phơi/sấy kỹ và nhào kỹ cũng được coi là rất quan trọng. Trước khi phơi/sấy, quả hồng hồng nguyên liệu sẽ được bóc vỏ, treo lên giá và xông bằng lưu huỳnh trong khoảng 15 phút.
Sau khi xông lưu huỳnh, tiến hành phơi khô quả hồng nguyên liệu bằng không khí ở nhiệt độ từ 10 - 15oC và độ ẩm từ 50 - 60% (đối với phương pháp phơi khô tự nhiên) hoặc sấy bằng máy ở nhiệt độ từ 30 - 40oC vào ban ngày và tắt máy sấy từ đêm đến sáng sớm (đối với phương pháp sấy khô cơ học).
Ngoài phương pháp phơi khô tự nhiên và phương pháp sấy khô cơ học, người dân trong khu vực địa lý còn có thêm phương pháp sấy khô bằng lửa. Từ những quả hồng đã được bóc vỏ rồi treo lên giá và xông bằng lưu huỳnh trong khoảng 15 phút, người dân tiến hành phơi bằng không khí cho đến khi quả không còn vị chát.
Sau đó người ta bỏ hồng vào máy sấy bằng lửa và sấy trong 12 giờ ở nhiệt độ khoảng 30oC, độ ẩm khoảng 65%. Tắt máy sấy trong 12 giờ, sau đó bật máy sấy và tiếp tục sấy ở nhiệt độ khoảng 25oC và độ ẩm khoảng 50%. Tắt máy sấy trong 12 giờ, lấy quả hồng ra khỏi máy sấy, tiếp tục phơi khô quả hồng trong vài ngày.
Bằng cách tắt và bật máy sấy, người dân trong khu vực địa lý đã tái hiện hiệu ứng làm chín vào ban đêm và hiệu ứng sương mù trên sông vào buổi sáng sớm, điều này làm cho hàm lượng nước (độ ẩm) trong thịt quả được đồng nhất.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, quả hồng sấy khô “ICHIDA GAKI/ICHIDA KAKI/HỒNG ICHIDA” là một trong 3 sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nằm trong dự án thử nghiệm nhằm triển khai Bản ghi nhớ hợp tác về chỉ dẫn địa lý giữa Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) và Cục Công nghiệp thực phẩm (Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản).
Đây là chỉ dẫn địa lý thứ 2 của Nhật Bản được bảo hộ tại Việt Nam sau chỉ dẫn địa lý “KAGOSHIMA KUROUSHI/KAGOSHIMA WAGYU/THỊT BÒ KAGOSHIMA” cho sản phẩm thịt bò.