Thêm 2 thương nhân phân phối trả lại giấy phép kinh doanh xăng dầu

Bộ Công thương vừa thông tin về việc thu hồi thêm 2 giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu của Công ty Cổ phần Thương mại nhiên liệu Cửu Long (TP.HCM) và Công ty TNHH Đầu tư phát triển xăng dầu Việt Nhật (Ninh Bình).

Nguyên nhân thu hồi là do các thương nhân đã chủ động trả lại giấy chứng nhận khi không còn duy trì được điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định.

Việc này diễn ra trong bối cảnh Bộ Công thương đã đề nghị các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối báo cáo việc duy trì điều kiện làm thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu theo quy định.

Như vậy, từ đầu năm, đã có 18 thương nhân xin rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, Bộ Công thương khẳng định, việc các doanh nghiệp trả lại giấy phép không ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Cây xăng ở Hào Nam đã đóng cửa hơn 1 năm nay. Ảnh: Hồng Hạnh.

Cây xăng ở Hào Nam đã đóng cửa hơn 1 năm nay. Ảnh: Hồng Hạnh.

Về nguồn cung, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, bộ này cho biết, đã giao tổng nguồn tối thiểu (gồm nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước) cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

"Từ đầu năm đến nay, các đầu mối thực hiện nghiêm túc tổng nguồn tối thiểu được phân giao nguồn cung xăng dầu về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.

Tổng nguồn nhập khẩu và mua xăng dầu trong nước ước thực hiện quý II/ 2024 khoảng 6,35 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tiêu thụ quý II/2024 khoảng 6,3 triệu m3/tấn. Tồn kho xăng dầu khoảng 1,7-1,8 triệu m3/tấn", Bộ Công thương khẳng định với sản lượng trên, đảm bảo đủ nhu cầu cho tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Việc rời khỏi thị trường trên, theo ý kiến từ các doanh nghiệp, do các quy định bất cập trong kinh doanh khiến cho thị trường những năm qua gặp khó khăn.

Hiện Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Bộ này đề xuất quy định mới là, thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.

Đề xuất này gây bức xúc cho một bộ phận doanh nghiệp xăng dầu khi cho rằng, quy định mới này sẽ trao quyền quá lớn cho thương nhân đầu mối, khiến hệ thống phân phối phụ thuộc vào thương nhân đầu mối về cả nguồn cung lẫn lợi ích kinh doanh.

Dẫn chứng có thời điểm khan hàng vào giữa năm 2022, các doanh nghiệp đầu mối lo đảm bảo nguồn hàng trong hệ thống của mình mà "bỏ rơi" hệ thống các thương nhân phân phối. Một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, nếu các thương nhân không được mua hàng của nhau thì lúc đó họ sẽ không có xăng dầu bán cho dân.

Vì thế, các thương nhân phân phối xăng dầu nhiều lần đề nghị tiếp tục quy định cho thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại.

Bởi lẽ, quy định này sẽ tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân phân phối khác và thương nhân bán lẻ trong trường hợp nguồn cung từ đầu mối gặp sự cố đột ngột, trong khi lượng xăng dầu của thương nhân phân phối đã mua còn tồn tại nhiều. Đồng thời tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/them-2-thuong-nhan-phan-phoi-tra-lai-giay-phep-kinh-doanh-xang-dau-19224072313270832.htm