Thêm 4 khối lớp ở TP Hồ Chí Minh sẽ trở lại trường học từ ngày 4/1
Bên cạnh việc tiếp tục dạy học trực tiếp đối với học sinh hai khối lớp 9 và 12, các cơ sở giáo dục được tổ chức dạy học trực tiếp thêm cho học sinh các khối lớp 7, 8, 10 và 11 từ ngày 4/1/2022.
Ngày 31/12, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản về việc tiếp tục tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Bên cạnh việc tiếp tục dạy học trực tiếp đối với học sinh hai khối lớp 9 và 12, các cơ sở giáo dục được tổ chức dạy học trực tiếp thêm cho học sinh các khối lớp 7, 8, 10 và 11 từ ngày 4/1/2022; riêng các cơ sở giáo dục tại xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) được phép tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.
Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, cơ sở giáo dục, đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được tổ chức học trực tiếp sau khi được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Thủ Đức, các quận, huyện kiểm tra, thẩm định kế hoạch và phương án phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời, người tham gia giảng dạy, làm việc và học tập phải đảm bảo tiêm ít nhất 1 liều vaccine (đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 liều) sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19.
Người thuộc diện phải tiêm vaccine nhưng không thể tiêm do có chống chỉ định phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Sở Y tế rà soát, tham mưu điều chỉnh Bộ Tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục khi cần thiết; kịp thời tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố việc mở rộng dạy học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán năm 2022 cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 và trẻ mầm non.
Trước đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thí điểm dạy học trực tiếp cho học sinh khối lớp 9 và lớp 12 từ ngày 13-25/12; riêng huyện Củ Chi chỉ tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 12 tại một trường trung học phổ thông từ ngày 20/12.
Trong thời gian thí điểm, đã có 97,63% học sinh lớp 9 và 96,02% học sinh lớp 12 tham gia học trực tiếp; số học sinh chưa tham gia chủ yếu là do đang là F0, trong khu vực cách ly hoặc chưa trở lại thành phố.
Ở khối giáo dục thường xuyên có 78,6% học sinh lớp 9 và 83,5% học sinh lớp 12 đã tham gia học trực tiếp tại trường.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, trong quá trình thí điểm tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch giảng dạy, thời khóa biểu linh động, phù hợp, thích ứng nhanh chóng với từng cấp độ dịch, không gây ảnh hưởng quá lớn đến việc tổ chức học tập cho học sinh.
Tính đến ngày 26/12, tại các cơ sở giáo dục có 60 ca nhiễm SARS-CoV-2 là giáo viên, nhân viên và học sinh đang dạy và học trực tiếp, đều đã được xử lý theo quy định.
Trong quá trình tổ chức, lãnh đạo các trường đã thể hiện trách nhiệm tốt, đại đa số học sinh, cha mẹ học sinh an tâm và đồng thuận việc tổ chức dạy học của lớp 9 và lớp 12.
Qua 2 tuần học, tỷ lệ phụ huynh học sinh đồng thuận với chủ trương này tăng hơn 16%. Có học sinh lúc đầu còn lo lắng nhưng khi chứng kiến các biện pháp nhà trường triển khai thì các em ngày càng an tâm hơn, tinh thần, thái độ học tập nghiêm túc.
Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết thực tế triển khai dạy học trực tiếp trong 2 tuần thí điểm cho thấy phần lớn trường học khó khăn về thiết bị y tế cho công tác phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi hoặc nhiễm, tầm soát F1 trong trường học.
Mặt khác, một số cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế chuyên trách, giáo viên vừa làm chuyên môn vừa kiêm nhiệm nên khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Do đó, để đảm bảo công tác tổ chức dạy học trực tiếp, Sở kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ trang bị bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh khánh nguyên SARS-CoV-2 cho các trường; cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Nội vụ đề xuất cơ chế định biên vị trí việc làm đối với nhân viên y tế trường học./.