Thêm chế độ thụ hưởng cho người tham gia BHXH tự nguyện

Hiện nay người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất, chưa được hưởng các chính sách như đóng BHXH bắt buộc.

Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), BHXH tự nguyện đã bổ sung thêm chế độ thai sản.

Cụ thể, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đề xuất, người lao động tham gia BHXH tự nguyện (gồm cả lao động nữ và nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một con.

Ảnh minh họa: Chí Hiếu

Ảnh minh họa: Chí Hiếu

Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do ngân sách Nhà nước đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện.

Cần tăng thêm lợi ích sát sườn

Đại diện BHXH TP.Hà Nội cho rằng, hiện nay chế độ BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn vì đang phải chạy theo chính sách BHXH bắt buộc. Do vậy, cần phải xây dựng chính sách BHXH tự nguyện tốt hơn, giống như của các đối tượng có kinh doanh, nhưng thay thế bằng cách đặt ra lợi ích sát sườn.

Thứ nhất, về chế độ BHYT, hiện nay người tham gia BHXH tự nguyện không được cấp thẻ BHYT, muốn có thẻ BHYT họ phải tham gia BHYT hộ gia đình; người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu. Đây cũng được xem là rào cản hạn chế người tham gia BHXH tự nguyện.

Do vậy, đại diện BHXH TP.Hà Nội cho rằng, cơ quan BHXH nên xây dựng luật BHXH sửa đổi theo hướng, người tham gia BHXH tự nguyện trên 5 năm sẽ được cấp BHYT mức hưởng 80% kinh phí chữa trị. Đến khi người đóng BHXH tự nguyện tham gia đủ điều kiện 15 hoặc 20 năm hưởng lương hưu thì thẻ BHYT sẽ được cấp với mức hưởng 95%.

Thứ hai, về chế độ thai sản, dự thảo Luật BHXH sửa đổi bổ sung thêm 2 triệu đồng/trường hợp thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, theo đại diện BHXH TP.Hà Nội, Luật nên quy định theo tỷ lệ đóng hưởng, vì có những người đóng mức cao hơn thì được hưởng cao hơn, không nên cào bằng mức hưởng như nhau.

“Chế độ thai sản nên tính tỷ lệ phần trăm mức hưởng theo mức đóng. Ví dụ lương tham gia mức 2 triệu thì phải tính bình quân cả quá trình tham gia chứ không nên tính tại thời điểm tham gia, như vậy mới đảm bảo công bằng, thu hút được người tham gia BHXH tự nguyện”, đại diện BHXH TP.Hà Nội cho biết.

Về vấn đề chế độ thai sản, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, cùng tham gia BHXH nhưng BHXH bắt buộc có 5 chế độ (ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, nghỉ hưu, tử tuất) trong khi BHXH tự nguyện chỉ có 3 chế độ. Trong đó, chế độ thai sản mới được đưa vào BHXH tự nguyện nhưng theo phương án 2 triệu/một người thì chưa phải là chế độ thai sản.

Theo ông Lợi, chế độ ở đây phải được tính theo phương án dựa theo mức đóng và tỷ lệ hưởng, người tham gia BHXH bắt buộc được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng thì chí ít người tham gia BHXH tự nguyện cần được nghỉ 3 tháng, mỗi tháng chỉ hưởng 1 triệu cũng được chứ không thể quy định mức cứng 2 triệu.

Vũ Điệp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/them-che-do-thu-huong-cho-nguoi-tham-gia-bhxh-tu-nguyen-2290056.html