Thêm chùm ca bệnh tay chân miệng tại Đạ Tẻh

Sáng 26/9, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Lâm Đồng cho biết: đoàn công tác của CDC tỉnh đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng chống bệnh tay chân miệng huyện Đạ Tẻh về triển khai các biện pháp chuyên môn xử lý 2 chùm ca bệnh tay chân miệng tại Trường Mầm non Họa Mi (xã An Nhơn) và Trường Mầm non Hương Lâm (xã Đạ Lây).

Ngành y tế Đạ Tẻh tích cực phòng chống dịch tay chân miệng, tiếp tục phun khử khuẩn tại các trường học và tại gia đình các trẻ nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng

Ngành y tế Đạ Tẻh tích cực phòng chống dịch tay chân miệng, tiếp tục phun khử khuẩn tại các trường học và tại gia đình các trẻ nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng

Khoanh vùng, xử lý triệt để

Qua báo cáo các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai tại Trường Mầm non Họa Mi và Trường Mầm non Hương Lâm và tại cộng đồng của Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, cho thấy: Tại Trường Mầm non Họa Mi hiện có 7 lớp với 210 học sinh; trong đó, lớp Sơn Ca có 8/24 trẻ mắc bệnh. Tại Trường Mầm non Hương Lâm hiện có 5 lớp với 112 học sinh; trong đó, lớp Họa Mi có 4/23 trẻ mắc bệnh.

Điều tra dịch tễ ghi nhận, ngày 21/9/2020 Trường Mầm non Họa Mi xã có 1 trẻ tại lớp Sơn Ca bị bệnh tay chân miệng có đi khám bệnh tại phòng khám bác sỹ tư và 8/24 trẻ nghỉ học. Đến chiều 21/9, qua khám sàng lọc tại trường phát hiện thêm 2 trẻ theo dõi mắc tay chân miệng, còn lại 5 trẻ nghỉ học thì có 2 trẻ mắc tay chân miệng được chẩn đoán xác định và 3 trẻ theo dõi mắc tay chân miệng.

Ngày 23/9, Trung tâm Y tế Đạ Tẻh điều tra tình hình bệnh tay chân miệng tại Trường Mầm non Hương Lâm và cộng đồng kết quả cụ thể: Tại trường có 98/112 học sinh đi học, riêng lớp Họa Mi có ca bệnh thì có 5 học sinh nghỉ học. Tổ chức khám sàng lọc tại trường thì chưa phát hiện thêm ca mới và đưa vào theo dõi 2 học sinh. Tại cộng đồng, ngoài 3 trẻ được Trung tâm Y tế Đạ Tẻh và Bệnh viện Nhi Đồng chẩn đoán tay chân miệng thì chưa phát hiện ca mới tại cộng đồng.

Các hoạt động đã triển khai chống dịch như: Tổ chức điều tra xác minh tình hình bệnh tay chân miệng tại Trường Mầm non Họa Mi và Trường Mầm non Hương Lâm, tại gia đình các học sinh và bán kính 100 m từ nhà bệnh nhân sau khi tiếp nhận thông tin; tiến hành cách ly theo dõi sức khỏe, điều tra tại nhà kịp thời những trẻ có dấu hiệu. Cử cán bộ y tế khám sàng lọc tại trường học để phát hiện sớm ca bệnh để tránh lây lan trong trường học và cộng động. Khử khuẩn khu vực sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi cho học sinh theo qui định. Cấp Cloramin B cho nhà trường, gia đình bệnh nhân để tiến hành khử khuẩn tại Trường Mầm non Họa Mi và Trường mầm non Hương Lâm và tại khu vực nhà dân. Phun hóa chất khử khuẩn các phòng học, khu vực ngoại cảnh, sân chơi, gia đình có bệnh nhân.

Truyền thông giáo dục sức khỏe, hướng dẫn cô giáo trong trường học, các gia đình về các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng. Tiến hành truyền thông trên loa phát thanh của các xã về nội dung phòng chống bệnh tay chân miệng.

Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh và CDC tỉnh đã đi giám sát tại gia đình bệnh nhân, Trường Mầm non Họa Mi, Trường Mầm non Hương Lâm và tại cộng đồng về tình hình sức khỏe của các ca bệnh và tình hình bệnh trong cộng đồng.

Ban chăm sóc sức khỏe huyện Đạ Tẻh, CDC tỉnh tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Y tế Đạ Tẻh, Phòng Y tế, Phòng Giáo dục Đào tạo, các ban, ngành liên quan phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung trên địa bàn toàn huyện.

Thống nhất cho học sinh của lớp Sơn ca Trường Mầm non Họa Mi nghỉ học 10 ngày kể từ ngày 22/9 và lớp Họa Mi Trường Mầm non Hương Lâm nghỉ học 10 ngày kể từ ngày 24/9 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng

Nhiệm vụ cho các đơn vị tiếp tục triển khai các hoạt động phòng chống bệnh tay chân miệng như sau: Đối với Trung tâm y tế huyện Đạ Tẻh, xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn toàn huyện. Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống xe loa của huyện. In ấn tờ rơi, băng rôn, áp phích truyền thông về bệnh tay chân miệng để cấp phát cho các hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện và các trường học mầm non, tiểu học theo hướng dẫn của CDC tỉnh. Tiếp tục triển khai hoạt động khám sàng lọc để phát hiện những có mắc mới. Tổ chức thu dung, điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế; tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ viên chức của Trung tâm và cán bộ y tế trường học trên địa bàn huyện về công tác phòng chống bệnh tay chân miệng.

Theo dõi sức khỏe các bệnh nhi tay chân miệng tại nhà chặt chẽ, hướng dẫn gia đình chăm sóc, phát hiện những dấu hiệu chuyên nặng của bệnh tay chân miệng để đưa trẻ đến Trung tâm Y tế huyện kịp thời, lấy chuyển mẫu xét nghiệm các ca được chỉ định theo qui định. Cấp phát hóa chất Cloramin B và hướng dẫn các trường mầm non trên địa bàn huyện, các gia đình bệnh nhân sử dụng đúng và hiệu quả. Tiếp tục phun khử khuẩn tại các trường học và tại gia đình các trẻ nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng. Tiếp tục triển khai tập huấn chuyên môn phòng chống bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế cho mạng lưới y tế toàn huyện. Báo cáo hàng ngày tình hình bệnh tay chân miệng cho Sở Y tế và CDC tỉnh theo qui định.

Phòng Giáo dục Đào tạo huyện chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường phối hợp với trạm y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng. Chỉ đạo giáo viên và nhân viên y tế trường học quản lý, theo dõi sức khỏe học sinh, khi phát hiện trẻ có biểu hiệu bệnh phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời. Các trường học thực hiện việc khử khuẩn môi trường tại trường học, lớp học; thường xuyên vệ sinh môi trường và làm sạch đồ dùng, dụng cụ, đồ chơi của học sinh.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202009/them-chum-ca-benh-tay-chan-mieng-tai-da-teh-3023567/