Thêm cơ chế để ngân hàng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp
Bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua tại nước ta. Cơn bão đã gây thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 81.700 tỷ đồng. Trong đó, nhiều khách hàng của các TCTD cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay mới… Thống kê cho thấy, dư nợ của TCTD bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng hơn 192.000 tỷ đồng ở 26 tỉnh, thành trên cả nước.
Đồng hành người dân sau cơn bão
Ngay khi bão tan, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các TCTD chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trả lời trước Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN Việt Nam đã chỉ đạo mỗi TCTD cân đối nguồn vốn của mình để đưa ra các gói tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, có 35 ngân hàng thông báo quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. “Tính đến ngày 31/10, các NHTM đã thực hiện cho vay mới theo chương trình ưu đãi với doanh số lũy kế khoảng 27.000 tỷ đồng và hạ lãi suất cho các khoản vay hiện hữu với dư nợ được giảm lãi suất khoảng 82.000 tỷ đồng”, Thống đốc thông tin.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã và đang chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại bằng chính khả năng tài chính của mình. Tại Vietcombank, ông Lê Quang Vinh, Phó tổng giám đốc chia sẻ, sau khi đánh giá lại tình hình thiệt hại của các khách hàng, ngân hàng đã triển khai giảm lãi suất lên đến 2% cho các ngành nghề và khu vực bị ảnh hưởng cụ thể. Theo đó, Vietcombank chủ động thực hiện giảm lãi suất từ ngày 6/9 cho các khoản vay cũ và các khoản vay mới, với quy mô vốn khoảng 160.000 tỷ đồng, với số khách hàng khoảng 25.500 khách hàng.
Còn đối với VietinBank, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc cho biết, VietinBank đã xây dựng gói hỗ trợ lãi suất 1% dành cho cả khoản vay cũ và vay mới, với quy mô 100.000 tỷ đồng, chương trình kéo dài đến hết năm 2024. Ngoài ra, ngân hàng này sẽ tiếp tục triển khai các chương trình an sinh xã hội và triển khai thêm các gói ưu đãi khác để hỗ trợ khách hàng. Ông Đoàn Việt Nam, Phó tổng giám đốc BIDV cũng chia sẻ, nhằm hỗ trợ khách hàng, BIDV đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho khách hàng, trong đó giảm ngay lãi suất từ 0,5 – 2% tùy theo mức độ thiệt hại của khách hàng áp dụng đối với cả khách hàng hiện hữu và cho vay mới. Quy mô gói hỗ trợ dành cho khách hàng hiện hữu là 40.000 tỷ đồng và 60.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng chưa có quan hệ tín dụng với BIDV.
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, trong nhiều năm qua, ngành Ngân hàng luôn sát cánh và đồng hành cùng khách hàng là doanh nghiệp, là những người dân chịu ảnh hưởng và thiệt hại từ thiên tai, tuy nhiên cơn bão số 3 tác động và gây ra hậu quả lớn chưa từng có trong lịch sử. Ngành Ngân hàng sẽ luôn đồng hành với khách hàng trong giai đoạn khó khăn và trong công tác phục hồi, xây dựng và kiến thiết lại cuộc sống.
Thêm cơ sở để các NHTM vào cuộc hỗ trợ
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc vừa ký Quyết định số 1510/QĐ-TTg phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3.
Theo Quyết định 1510, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ đối với khoản nợ có số dư nợ gốc, lãi đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định của NHNN về việc TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại của bão số 3 như nhóm nợ đã được phân loại theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có trong hoạt động của TCTD tại thời điểm gần nhất trước ngày 7/9 trong thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Ngoài ra, khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ theo quy định trên còn trong hạn theo thời hạn cơ cấu lại, TCTD không phải điều chỉnh, phân loại lại vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nếu các khoản nợ đã được giữ nguyên nhóm nợ theo quy định trên bị quá hạn theo thời hạn cơ cấu lại mà không được tiếp tục gia hạn thời gian trả nợ, hoặc không còn số dư nợ thuộc diện cơ cấu lại, thì TCTD phải phân loại lại các khoản nợ này theo quy định của NHNN về phân loại tài sản trong hoạt động của TCTD. Bên cạnh đó, các TCTD xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định của NHNN về phân loại tài sản có trong hoạt động của TCTD mà không áp dụng giữ nguyên nhóm nợ. Về mức trích lập dự phòng rủi ro, Quyết định số 1510 quy định, TCTD thực hiện trích bổ sung dự phòng cụ thể đến thời điểm ngày 31/12/2024 tối thiểu 35% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung. Đến thời điểm ngày 31/12/2025, trích thêm để đạt tối thiểu 70% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung. Đến thời điểm ngày 31/12/2026, các TCTD phải trích thêm số còn lại để đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung.
Theo các chuyên gia, việc ban hành chính sách về phân loại nợ, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro đối với các khoản nợ của khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 đã tạo cơ sở pháp lý và khuyến khích các TCTD mạnh dạn cho vay, hỗ trợ khách hàng khôi phục lại sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các TCTD cũng giảm bớt áp lực trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh hiện nay khi rất nhiều khoản nợ bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, lộ trình trích lập dự phòng rủi ro cũng đã được quy định rất cụ thể và hợp lý. Khoảng thời gian đến ngày 31/12/2026, các TCTD phải trích thêm số còn lại để đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung cũng đủ để khách hàng của các nhà băng hồi phục, có khả năng trả nợ ngân hàng.