Thêm công cụ chặn lừa đảo

Công an TP HCM đang xây dựng app cảnh báo về an ninh trật tự, trong khi đó Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã ra mắt phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust

Vừa qua, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã ra mắt phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust. Phần mềm này hoàn toàn miễn phí, sử dụng trên điện thoại thông minh để phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR.

Dễ dàng phát hiện những dấu hiệu đáng ngờ

Phần mềm cũng hỗ trợ chức năng rà soát, quét các ứng dụng trên điện thoại, phát hiện mã độc hoặc phần mềm giả mạo. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dùng có thể gửi báo cáo số điện thoại, số tài khoản, đường link, app nghi ngờ về trung tâm thông qua tính năng tích hợp sẵn trên phần mềm. Các dữ liệu báo cáo này sẽ được tập hợp, xác minh và cập nhật cho toàn bộ cộng đồng người sử dụng nTrust.

Phần mềm phòng chống lừa đảo nTrust đề cao việc bảo đảm tính riêng tư, cho phép người dùng chủ động hoàn toàn trong việc kiểm soát, lựa chọn các thông tin cần kiểm tra, báo cáo. Đặc biệt, khác với các phần mềm nước ngoài có tính năng tương tự trên thị trường, toàn bộ quá trình xử lý liên quan đến kiểm tra cuộc gọi lừa đảo, làm phiền sẽ chỉ được thực hiện trên điện thoại, không gửi bất cứ thông tin gì về máy chủ.

Theo Công an TP HCM, thời gian qua nổi lên rất nhiều vụ lừa đảo công nghệ cao khiến nhiều người điêu đứng. Đầu tiên phải kể đến là tình trạng giả danh nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng mời chào, cung cấp các khoản vay tín dụng online, sau khi nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng chỉ định thì chiếm đoạt.

Kế đến là tình trạng các đối tượng gửi đường link giả mạo các công ty thông báo vào tài khoản mạng xã hội của người dùng nhằm chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội, tạo ra các kịch bản để yêu cầu người trong danh sách bạn bè của nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng chỉ định.

Nhiều đối tượng đã giả mạo các công ty truyền thông, các cơ sở đào tạo để tuyển người mẫu nhí quảng cáo trên các trang mạng xã hội để thu hút những người có nhu cầu tham gia. Sau đó, dẫn dụ nạn nhân đưa vào các nhóm chat Telegram giao nhiệm vụ mua các sản phẩm ảo tăng tương tác cho nhà tài trợ để hưởng lợi nhuận. Các đối tượng yêu cầu chuyển khoản vào các tài khoản do đối tượng chỉ định với số tiền tăng dần và tạo lý do bị sai cú pháp trong giao dịch, buộc nạn nhân phải nộp thêm tiền bảo đảm rồi sau đó chiếm đoạt.

Trước thực trạng này, thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM, cho biết Ban Giám đốc Công an TP HCM đã giao phòng nghiệp vụ khẩn trương tham mưu và triển khai thực hiện để sớm ra mắt app cảnh báo về an ninh trật tự. Ngay khi hoàn thiện và chuẩn bị ra mắt, Công an TP HCM sẽ có thông tin chính thức.

Công an TP HCM bắt nhóm lừa đảo công nghệ cao. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Công an TP HCM bắt nhóm lừa đảo công nghệ cao. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Tuyên truyền sâu rộng

Theo thượng tá Hà, tội phạm lừa đảo qua mạng thường hoạt động có tổ chức, có tính ẩn danh, tội phạm mang tính quốc tế cao, luôn chuẩn bị sẵn phương án để xóa dấu vết, với thủ đoạn tinh vi và luôn thay đổi thủ đoạn tiếp cận, chiêu thức lấy lòng tin để lừa đảo nạn nhân. Vì vậy, việc thông tin tuyên truyền, cảnh báo kịp thời là giải pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất.

Theo đó, Ban Giám đốc Công an TP HCM đã có chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để tuyên truyền nhanh nhất, thường xuyên nhất, rộng rãi nhất đến mọi người dân, trong đó có chỉ đạo xây dựng app cảnh báo về an ninh trật tự kể trên.

Ngoài giải pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân, Bộ Công an và Công an TP HCM đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế nguyên nhân, điều kiện và nâng cao hiệu quả công tác điều tra khám phá các vụ án về tội phạm lừa đảo qua mạng. Trong đó, triển khai dự án cấp căn cước công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tham mưu thực hiện hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước, các nhà mạng viễn thông từng bước xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế, xóa bỏ tình trạng sim rác; việc thuê, mượn tài khoản ngân hàng; bảo vệ thông tin bí mật cá nhân; phòng chống rửa tiền, kịp thời phong tỏa, ngăn chặn các tài khoản có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo.

Đồng thời giao trách nhiệm và chế tài thi đua đối với lực lượng công an cơ sở về công tác tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp. Nắm và giải quyết tình hình vụ việc ngay tại cơ sở. Củng cố, tăng cường lực lượng, phương tiện, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, thể hiện rõ nhất là thành lập phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao ở công an các địa phương.

Tăng cường trao đổi kinh nghiệm và ký kết các văn kiện hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là các nước mà tội phạm lừa đảo qua mạng tại Việt Nam đóng trụ sở và ẩn náu. Tăng cường chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ của ngành công an, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác công an để điều tra, xử lý các vụ án.

Cẩn trọng với mã độc

Nhiều nạn nhân bị dẫn dụ cài đặt ứng dụng chứa mã độc và bị âm thầm chiếm đoạt rất nhiều tiền trong tài khoản. Sau khi khống chế điện thoại nạn nhân, các đối tượng còn tìm cách khai thác thông tin trong danh bạ, thư viện ảnh, video, clip riêng tư... để tìm cách khống chế, đe dọa hoặc tiếp tục dẫn dụ các nạn nhân khác là người quen trong danh bạ.

Không chỉ thu thập dữ liệu để đánh cắp tiền, mã độc này còn chặn các tin nhắn và cho phép tin tặc kiểm soát các tài khoản của nạn nhân. Công an TP HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không cài các ứng dụng từ các trang web, cổng thông tin bên ngoài; không quét mã QR, không click vào đường link lạ hoặc cung cấp mật khẩu, thông tin cá nhân cho người lạ.

Phạm Dũng - Phan Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/them-cong-cu-chan-lua-dao-196240731211306336.htm