Chính phủ Cộng hòa Séc đã phê duyệt kế hoạch mua khoảng hai chục tiêm kích tàng hình F-35 Lightning II để tăng cường sức mạnh quân sự và phối hợp tốt hơn cùng các đồng minh NATO.
“Đó là một giải pháp hiệu quả,” Thủ tướng Fiala nói với các phóng viên và nhấn mạnh "F-35 là một chiếc tiêm kích có năng lực vượt trội so với những chiến đấu cơ khác”. Prague sẽ nhận chiếc Lightning II đầu tiên vào năm 2029 và hoàn tất hợp đồng vào năm 2035.
Thủ tướng Fiala nói thêm: “Để phòng thủ, điều quan trọng là tăng cường mối quan hệ của chúng tôi với các đồng minh NATO. Với bước đi này, Prague muốn nói rằng chúng tôi rất coi trọng việc bảo vệ đất nước mình đồng thời là một đối tác tin cậy”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Cộng hòa Séc Jana Cernochova, quốc gia Trung Âu và cựu thành viên Hiệp ước Warsaw sẽ chi 6,47 tỷ USD để nâng cấp căn cứ, xây dựng cơ sở hạ tầng khai thác cũng như đảm bảo kỹ thuật cho tiêm kích F-35.
Hợp đồng mua sắm F-35 bao gồm cả đạn dược, thiết bị mô phỏng chuyến bay và nhiều khí tài liên quan, thương vụ nói trên đã được Bộ Ngoại giao Mỹ tạm thời phê duyệt vào tháng 6/2023.
Cộng hòa Séc hiện là quốc gia thành viên NATO mới nhất cùng với Bỉ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Ý, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan và Anh - cũng như Mỹ - đang vận hành hoặc lập kế hoạch tiếp nhận máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm.
Ngoài ra trong danh sách còn có Australia, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Thụy Sĩ đã lựa chọn máy bay chiến đấu do Lockheed Martin sản xuất để đưa vào thành phần tác chiến.
Hiện có hơn 965 chiếc F-35 đang được sử dụng trên toàn cầu, đại diện nhà sản xuất Lockheed Martin mô tả máy bay chiến đấu này là xương sống trong các hoạt động tác chiến tương lai của NATO.
Đại diện của Lockheed Martin nói thêm: “F-35 sẽ cho phép các đồng minh NATO khác thu hẹp khoảng cách năng lực hiện tại với Mỹ, đồng thời tạo cơ hội tích hợp cao hơn để tối đa hóa khả năng của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương”.
Cộng hòa Séc đã chọn F-35 để thay thế 14 máy bay chiến đấu JAS 39 Gripen thuê của Thụy Điển. Bắt đầu từ năm tới, Prague sẽ chi 2% tổng sản phẩm quốc nội cho quốc phòng, phù hợp với cam kết với NATO.
Đáng chú ý là Cộng hòa Séc đã từ chối gia hạn thỏa thuận thuê tiêm kích Gripen sẽ hết hạn vào năm 2027 để lựa chọn F-35, bất chấp việc Stockholm đưa ra rất nhiều ưu đãi.
Việc một lượng lớn tiêm kích tàng hình F-35 dự kiến sớm đi vào hoạt động trong Không quân Cộng hòa Séc chắc chắn sẽ khiến Nga phải cảm thấy lo lắng.
Nỗi lo ngại của Moskva thậm chí còn lớn hơn khi tiến độ sản xuất tiêm kích tàng hình Su-57 Felon, hay nghiên cứu hoàn thiện chiếc Su-75 Checkmate - những đối thủ chính của F-35 - tỏ ra khá chậm trễ.