Thêm diễn biến gây lo ngại tại Dải Gaza
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 18-10 đến Israel giữa lúc khủng hoảng tại khu vực trở nên trầm trọng hơn sau khi xảy ra vụ nổ gây nhiều thương vong tại bệnh viện Ả Rập al-Ahli ở Dải Gaza.
Theo AP, giới chức Palestine cho biết vụ nổ hôm 17-10 khiến ít nhất 500 người thiệt mạng. Đây được xem là vụ việc đơn lẻ gây nhiều thương vong nhất sau khi Israel tiến hành chiến dịch không kích trả đũa vụ tấn công xuyên biên giới của nhóm vũ trang Hamas hôm 7-10.
Hamas cáo buộc một vụ không kích của Israel gây ra thảm kịch trên. Đáp lại, theo Reuters, quân đội Israel cho rằng vụ nổ do một vụ phóng rốc-két thất bại của phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine tại Dải Gaza. Tuy nhiên, nhóm này đã bác bỏ cáo buộc của Israel.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở TP Tel Aviv, ông Joe Biden đưa ra đánh giá rằng vụ nổ trên dường như không phải do quân đội nước này gây ra. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ không nói rõ vì sao ông có nhận định như thế.
Trước đó, phản ứng về vụ nổ, ông Biden đã bày tỏ sự phẫn nộ và đau buồn sâu sắc, đồng thời chỉ đạo đội ngũ an ninh quốc gia tiếp tục thu thập thông tin liên quan. Giới chức một số nước phương Tây cũng kêu gọi không nên vội vàng đưa ra kết luận về vụ việc.
Riêng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói với đài Sputnik rằng Israel nên cung cấp hình ảnh vệ tinh để chứng minh nước này không liên quan đến vụ tấn công.
Theo sau vụ nổ bệnh viện, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thúc giục thực hiện lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng kêu gọi tích cực bảo vệ dân thường.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng tình hình ở Dải Gaza "đang ngày càng vượt khỏi tầm kiểm soát" và thúc giục tất cả các bên ngăn chặn bạo lực.
Tác động ngoại giao tức thì của diễn biến trên là cuộc gặp dự kiến giữa Tổng thống Joe Biden, Quốc vương Jordan Abdullah II, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Amman đã bị hủy.
Theo đài CNN, những gì xảy ra cũng buộc Nhà Trắng tìm cách giảm bớt kỳ vọng từ chuyến đi của ông Biden. Theo một số nguồn tin, nhà lãnh đạo Mỹ tập trung đối phó tình hình phức tạp trước mắt thay vì tìm kiếm kết quả rõ ràng nào đó.
Phát biểu trước thềm sứ mệnh ngoại giao khó khăn này, ông Biden khẳng định Mỹ không muốn xung đột Israel - Hamas lan rộng, đồng thời muốn hàng cứu trợ nhân đạo đến được tay người dân ở Dải Gaza.
Theo AP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp kéo dài hơn 7 giờ tại TP Tel Aviv - Israel hôm 16-10 trong nỗ lực phá vỡ bế tắc liên quan đến việc đưa hàng cứu trợ vào Dải Gaza. Kết quả là ông đã được bật đèn xanh để lên kế hoạch về việc hàng cứu trợ được đưa vào Dải Gaza và phân phối đến thường dân thế nào.
Đến ngày 18-10, theo Reuters, quân đội Israel thông báo hàng viện trợ nhân đạo sẽ được cung cấp cho người dân Palestine sơ tán khỏi phía Bắc Dải Gaza về phía Nam vùng lãnh thổ này.
Trong khuyến cáo sơ tán mới, quân đội Israel tiếp tục hối thúc người dân Palestine rời khỏi TP Gaza, đồng thời nhấn mạnh có một "khu vực nhân đạo" ở Al-Mawasi, nơi hàng cứu trợ quốc tế sẽ được cung cấp khi cần. Tuy nhiên, phía Israel không cho biết chi tiết về cách thức cũng như liệu hàng viện trợ có được đưa vào Dải Gaza hay không.
Việt Nam kêu gọi nối lại đàm phán
Ngày 18-10, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường, các cơ sở nhân đạo và hạ tầng thiết yếu.
Việt Nam kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, nối lại đàm phán, giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc nhằm đạt được giải pháp công bằng, thỏa đáng và lâu dài cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông, bảo đảm tính mạng, an ninh, an toàn cho người dân.
N.Dương