Thêm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, từ tháng 6/2019, một số chính sách an sinh xã hội mới có hiệu lực. Các chính sách này có liên quan đến chế độ BHXH.
Theo đó, Nghị định 34/2019/NĐ-CP ban hành ngày 24/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/1/2009 Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có hiệu lực từ ngày 25/6/2019.
Ngoài các quy định về số lượng cán bộ, Nghị định còn quy định người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng chế độ phụ cấp, chế độ BHXH, bảo hiểm y tế. Trước đây, tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP thì đối tượng này không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.
Ngân sách Nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp, bao gồm cả hỗ trợ BHXH và bảo hiểm y tế để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo Quyết định phân loại đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn. Cụ thể: Loại 1 được khoán quỹ phụ cấp bằng 16 lần mức lương cơ sở; loại 2 được khoán quỹ phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở; loại 3 được khoán quỹ phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở.
Liên quan đến ưu đãi cho vận động viên, theo Nghị định 36/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, từ 14/6/2019, vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển thể thao ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi thôi làm vận động viên nếu có nhu cầu đào tạo nghề và đủ điều kiện thì được hỗ trợ đào tạo nghề.
Các chế độ về tiền lương; tiền hỗ trợ tập huấn, thi đấu; BHXH; bảo hiểm y tế; bảo hiểm thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo hiểm khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài và tiền thưởng theo thành tích thi đấu đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 152/2018/NĐ-CP ngày 7/11/2018 của Chính phủ quy định một số chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao trong thời gian tập trung tập huấn, thi đấu.
Theo Thông tư 08/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xếp lương nhân viên thiết bị, thí nghiệm trong các trường trung học và trường chuyên biệt công lập quy định, viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nhân viên thiết bị, thí nghiệm được áp dụng bảng lương viên chức loại A0 ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
Cụ thể, đối tượng viên chức này được xếp lương từ bậc 1 (hệ số 2,1) đến bậc 10 (hệ số 4,89). Nếu tính theo mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2019 thì mức lương dao động từ 3.129.000 đồng/tháng - 7.286.100 đồng/tháng. Việc quy định mức lương có liên quan đến chế độ đóng, hưởng BHXH. Chính sách có hiệu lực chính thức từ 17/6/2019.
Được biết, tính đến hết tháng 5/2019, số người tham gia BHXH bắt buộc là 14,6 triệu người; BHXH tự nguyện là 347 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 12,87 triệu người; bảo hiểm y tế là 84 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số.
Lũy kế hết tháng 5/2019, BHXH thu được 136.038 tỷ đồng, đạt 37,8% kế hoạch cả năm. Trong khi đó, ước số chi BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là 123.230 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch cả năm.
Theo số liệu thống kê tính đến ngày 28/5/2019, trên Hệ thống Thông tin giám định bảo hiểm y tế của ngành có tổng cộng 68,57 triệu lượt khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 37.688,65 tỷ đồng.
Trong đó, 62,4 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 14.786,3 tỷ đồng; 6,16 triệu lượt khám chữa bệnh nội trú với số tiền đề nghị cơ quan BHXH thanh toán là 22.902,3 tỷ đồng.
Một số trường hợp có chi phí khám chữa bệnh cao hàng trăm triệu đồng cho đến hàng tỷ đồng. Có 1.839 lượt khám chữa bệnh nội trú, chi phí từ 200 - 500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú. Có 97 lượt khám chữa bệnh nội trú với chi phí trên 500 triệu đồng/đợt điều trị nội trú. Đặc biệt, có 12 bệnh nhân chi phí cho bảo hiểm y tế trên 1 tỷ đồng/đợt điều trị.