Thêm động lực cho ngoại giao nông sản

Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Vũ Viết Dũng cho rằng cần đẩy mạnh ngoại giao nông sản đối với thị trường này để doanh nghiệp ta có thêm động lực, niềm tin khi 'mang chuông đi đánh xứ người'.

Đại sứ Vũ Viết Dũng giới thiệu về Phòng giới thiệu sản phẩm xuất khẩu. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Đại sứ Vũ Viết Dũng giới thiệu về Phòng giới thiệu sản phẩm xuất khẩu. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Những thành tựu lớn nhất sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Saudi Arabia là gì, thưa Đại sứ?

Xuyên suốt hơn 20 năm qua, trước hết phải kể đến các chuyến thăm cấp cao như chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến Saudi Arabia tháng 4/2010, chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Quốc hội Saudi Arabia Abdullad Al-Sheikh tháng 2/2016…, tạo dựng nền móng vững chắc cho quan hệ song phương.

Hai bên cũng thiết lập các cơ chế hợp tác, trong đó có cơ chế Ủy ban hỗn hợp, đầu năm nay đã họp phiên thứ tư trao đổi về tất cả các lĩnh vực hợp tác. Tất cả đã góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước.

Về chính trị,nhiều thỏa thuận đã được kí kết, tạo tiền đề cho tăng cường phát triển nhiều mặt, đáng kể gần đây nhất là Bản ghi nhớ (MOU) thiết lập quan hệ về tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (5/7/2021), MOU về hợp tác, trao đổi thông tin giữa hai hãng thông tấn (20/12/2020); hai bên tiếp tục duy trì sự ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.

Về kinh tế - thương mại, Saudi Arabia là một trong những bạn hàng lớn của Việt Nam tại khu vực, kim ngạch thương mại hai chiều duy trì ổn định ở mức 1,6 tỷ USD vào năm 2020. Một số tập đoàn lớn của Saudi Arabia hiện đang có mặt tại Việt Nam như Thép Zamil, ACWA Power, Kingdom Holding… đã có những dự án đầu tư thành công.

Về hợp tác ODA, hơn 10 năm qua, Quỹ Saudi Arabia vì sự Phát triển (SFD) đã cho Việt Nam các khoản vay vốn ưu đãi trị giá hơn 200 triệu USD, giúp thực hiện các dự án cải tạo cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn, xây dựng trường học, bệnh viện, chăm sóc y tế cộng đồng, phát triển nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Về hỗ trợ nhân đạo, mới đây Trung tâm Cứu trợ và Nhân đạo Quốc vương Salman đã chuyển các vật dụng y tế với tổng trị giá 500.000 USD để hỗ trợ Việt Nam phòng chống Covid-19. Trong năm 2020, gói cứu trợ đồng bào bị bão lụt trị giá 150.000 USD đã được chuyển cho ta.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đại sứ quán khai trương Phòng giới thiệu sản phẩm xuất khẩu vào tháng 3/2021. Ý tưởng thành lập phòng này như thế nào?

Ý tưởng này nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn xuất khẩu sang thị trường tìm kiếm thêm các khách hàng trong điều kiện không thể giao thương trực tiếp, trước mắt bổ sung, thậm chí thay thế cho việc chưa thể cử các đoàn xúc tiến thương mại; đồng thời giúp khách hàng Saudi Arabia dễ dàng tiếp cận thông tin, mẫu mã, chất lượng hàng hóa của ta.

Đại sứ quán đã mang hàng mẫu của doanh nghiệp đi quảng bá trực tiếp tại một số tỉnh thành lớn nhằm cung cấp thêm thông tin, kết nối doanh nghiệp có mong muốn xuất nhập khẩu.

Doanh nghiệp hai bên hưởng ứng ra sao? Sản phẩm chính là gì, thưa Đại sứ?

Doanh nghiệp của Việt Nam mong muốn xuất khẩu tại thị trường này gồm những doanh nghiệp vừa và nhỏ, chưa có đối tác, chưa có kinh nghiệp tại thị trường.

Một số ít doanh nghiệp đã có đối tác nhưng vẫn mong muốn mở rộng thị trường cũng tích cực tham gia. Đợt 1 đã có 60 doanh nghiệp gửi hàng mẫu.

Đại sứ Vũ Viết Dũng cùng ông Muhmmad Al Hanaya, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Qassim chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 6/4. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Đại sứ Vũ Viết Dũng cùng ông Muhmmad Al Hanaya, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp tỉnh Qassim chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp, ngày 6/4. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Trên cơ sở quan sát sự tiếp nhận của thị trường, chúng tôi đang triển khai vận động đợt 2, đã được 70 doanh nghiệp hưởng ứng gửi hàng mẫu tham gia.

Số hàng mẫu này dự kiến chuyển qua chuyến bay hồi hương công dân sắp tới để trưng bày.

Đại sứ quán cũng sẽ đề nghị các doanh nghiệp luân chuyển, thay thế những hàng mẫu đã cũ, hết hạn sử dụng, đồng thời cập nhật những mã hàng mới.

Các sản phẩm chính gồm các mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng dệt may thời trang, thiết bị vật liệu xây dựng, vật tư y tế, đồ trang trí nội thất, trầm hương, ấn phẩm quảng bá du lịch....

Theo quan sát của ông, người tiêu dùng Saudi Arabia ưa chuộng sản phẩm nào của Việt Nam?

Khách hàng tại Saudi Arabia chia thành 2 nhóm:

Nhóm 1 là người Saudi (khoảng hơn 20 triệu) ưa chuộng các sản phẩm dệt may truyền thống của họ (Thobe – áo dài nam, và Abaya – áo dài nữ) được sản xuất tại Việt Nam mẫu mã đẹp, chất lượng tốt; gia vị, hạt điều, than củi, trầm hương có xuất xứ từ Việt Nam.

Nhóm 2 là người nhập cư (khoảng 12 triệu) ưa chuộng tất cả những sản phẩm mà Việt Nam đang xuất khẩu sang thị trường này gồm nông sản, quả tươi, hàng dệt may, đồ gia dụng, nội thất bằng gỗ, giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng....

Hai nhóm người tiêu dùng trên đều rất ưa chuộng các món ăn thủy sản. Đây cũng là ngành có thế mạnh tại Việt Nam.

Tuy nhiên các nhà sản xuất, cung ứng hàng từ Việt Nam cần có sự điều chỉnh phù hợp đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng như mẫu mã hàng hóa, quy cách đóng gói, chứng chỉ chứng nhận Halal và các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của SFDA, tiêu chuẩn đo lường chất lượng của SASO.

Giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại tỉnh Qassim. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Giới thiệu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại tỉnh Qassim. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Saudi Arabia)

Phương châm của ông về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước? Cá nhân ông và Đại sứ quán đã triển khai phương châm này như thế nào?

Ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của mỗi Cơ quan đại diện ngoại giao ta ở nước ngoài. Ta thường nói đến vai trò mở đường khai thông mở rộng các thị trường, vai trò tham mưu, dự báo cho trong nước, vai trò hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; vai trò đôn đốc, kiểm tra.

Nền kinh tế Việt Nam và Saudi Arabia có thể bổ sung cho nhau.

Nhờ có trữ lượng dầu mỏ lớn, bạn xuất khẩu nhiều loại hóa chất, nguyên liệu nhựa vào Việt Nam. Song cũng do đặc điểm khí hậu sa mạc nên bạn phải nhập khẩu phần lớn hàng hóa. Từ đó ta có thể xuất khẩu nhiều loại hàng hóa vào thị trường này như: hàng nông sản thực phẩm, hàng dệt may (áo truyền thống của họ Abaya và Thobe).

Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia luôn ý thức được nhiệm vụ ngoại giao kinh tế, xác định gắng sức làm bất cứ gì có lợi cho kinh tế nước nhà, cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh việc giới thiệu một số đối tác tiềm năng về đầu tư vào trong nước, Đại sứ quán đã có sáng kiến vận động các doanh nghiệp ta gửi hàng mẫu xuất khẩu sang để Đại sứ quán giới thiệu tới các nhà nhập khẩu.

Cùng với việc mở Phòng Trưng bày sản phẩm xuất khẩu Việt Nam tại Riyadh, chúng tôi đã trực tiếp mang hàng đi giới thiệu tại một số địa phương lớn ở Saudi Arabia, và cũng có kế hoạch đưa hàng đi giới thiệu tại các địa bàn kiêm nhiệm (như Oman, Bahrain, Jordan).

Từ thực tế trên và thế mạnh của Việt Nam là các mặt hàng nông sản, Đại sứ quán đang kiến nghị nhà nước ta có chính sách ngoại giao nông sản đối với Saudi Arabia để doanh nghiệp ta có thêm động lực, niềm tin khi “mang chuông đi đánh xứ người”.

Xin cảm ơn Đại sứ!

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/them-dong-luc-cho-ngoai-giao-nong-san-156228.html