Thêm động lực để nạn nhân da cam vươn lên

ĐBP- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mấy chục năm qua di chứng từ chất độc da cam đã khiến nhiều người, nhiều thế hệ vẫn phải gồng mình chống chịu. Cùng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội thời gian qua; bằng nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực đã góp phần xoa dịu nỗi đau da cam. Giúp nạn nhân da cam thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.

Cán bộ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thăm hỏi, tặng quà nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Sau khi chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Campuchia và Quân khu 9 trở về, ông Nguyễn Minh Khai, hiện cư trú ở tổ dân phố 10, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) bị phơi nhiễm chất độc hóa học nên sức khỏe giảm sút nhiều. Cũng bởi sức khỏe yếu, cuộc sống gia đình khó khăn nên ông Khai luôn mong muốn ngày nào đó có ngôi nhà mới để ở. Đáp ứng nguyện vọng của gia đình, với sự chung tay, góp sức, sẻ chia của xã hội, các mạnh thường quân, năm 2017 gia đình ông Khai được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà. Đây là niềm vui lớn mà ông không bao giờ quên. “Chẳng gì vui hơn khi Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn dành sự quan tâm đặc biệt, đồng hành với những người có công với cách mạng như thế hệ chúng tôi. Chúng tôi cũng nhận thấy được trọng trách của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Trước tiên là thực hiện nghiêm chỉnh quy định của pháp luật, đồng thời tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và cộng đồng dân cư tuân thủ và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước” - ông Khai phấn khởi chia sẻ.

Là người trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Quân khu 4, rồi chiến trường miền Nam từ năm 1965 - 1973 và bị nhiễm chất độc dacam/dioxin; đến tháng 7/1986, ông Nguyễn Đức Ban, đội 15, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) xuất ngũ. Thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn, năm 2019, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã kết nối, kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân hỗ trợ kinh phí giúp đỡ ông Ban xây dựng ngôi nhà mới, thay thế căn nhà 3 gian vách đất lụp xụp trước đó. Sống trong căn nhà kiên cố, ông Ban thể hiện rõ niềm vui khi được các cấp, ngành quan tâm giúp đỡ và sẻ chia khó khăn.

Thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có 190 người trực tiếp tham gia chiến đấu và nhiễm chất độc hóa học. Ngoài khoản hỗ trợ sinh hoạt và phụ cấp hàng tháng, các nạn nhân da cam còn được khám chữa bệnh miễn phí; nhận nhiều ưu đãi xã hội; nhận sự quan tâm, thăm hỏi của nhiều cơ quan, tổ chức vào các dịp lễ, tết. Riêng từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hỗ trợ sửa chữa, xây mới trên 50 nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh bị nhiễm chất độc hóa học trên địa bàn. Đặc biệt, từ khi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập (năm 2015), Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm chia sẻ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, mấy năm qua, hoạt động của Hội còn khó khăn do hạn chế về tài chính, song với chức năng chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho hội viên, Hội thường xuyên kêu gọi, vận động từ nhiều nguồn khác nhau để chăm sóc cho hội viên mình. Chưa kể những ngày lễ, tết, Hội đã huy động hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp, xây dựng nhà ở cho hội viên hoàn cảnh khó khăn với số tiền mỗi gia đình từ 30 - 50 triệu động. Riêng trong nhiệm kỳ vừa qua, từ sự kêu gọi Hội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Trung ương và các tổ chức chính trị, xã hội trong, ngoài tỉnh đã ủng hộ tiền mặt, giúp đỡ ông Lê Đức Hòa, nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn thuộc tổ dân phố 24, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ xây dựng ngôi nhà trên 200 triệu đồng.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhiều năm qua, dù mang trong mình nỗi đau bệnh tật mà chất độc da cam để lại, nhiều người đã vượt lên số phận, hăng hái tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế, trở thành tấm gương điển hình ở khu dân cư. Điển hình như ông Phạm Quang Tuyến, đội 6, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) bị nhiễm chất độc hóa học và mất 71% sức khỏe. Dù vậy, với tinh thần người lính cụ Hồ, sau khi rời quân ngũ, ông Tuyến cùng vợ quyết tâm phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng trọt… Sau nhiều năm cần cù, chịu khó, gia đình ông vươn lên, trở thành hộ khá của xã. Hay như trường hợp của ông Vũ Ngọc Lự ở đội 3, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) thương binh 27%, nhiễm chất độc da cam 61%. Sau khi tham gia chiến đấu, tháng 10/1972 ông xuất ngũ. Năm 1974 ông Lự lên Điện Biên xây dựng kinh tế trồng hơn 2.000m2 rau và cây ăn quả. Nhờ chăm chỉ, cần mẫn và chịu khó học hỏi, hàng năm ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Thu nhập ổn định, kinh tế khá giả, năm 2018 gia đình ông Lự xây được ngôi nhà hơn 1 tỷ đồng. Ông Lự chia sẻ: Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của từng thành viên trong gia đình, là sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến địa phương. Từ những món quà ngày lễ, tết đến những lời động viên, hỏi thăm của làng xóm, láng giềng, anh em, bạn bè, đó thực sự là động lực để tôi vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/198824/them-dong-luc-de-nan-nhan-da-cam-vuon-len