Thêm động lực tăng trưởng (*) : Đón dòng vốn đầu tư mới

Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, lĩnh vực đầu tư sẽ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong năm 2021

Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu của nhà đầu tư Singapore chính thức được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sau rất nhiều "chông gai". Tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 4 tỉ USD, "siêu dự án" được cho là đã thúc đẩy nền kinh tế cũng như nổ phát pháo đầu tiên cho một năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) khá thành công trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên toàn thế giới.

Vốn ngoại giữ vai trò trụ cột

Sau siêu dự án trên, hàng loạt dự án khác được cấp phép đầu tư hoặc tăng vốn. Chẳng hạn, dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỉ USD vào ngày 18-4-2020; dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD; dự án Pegatron Việt Nam (Đài Loan) vốn đầu tư 481 triệu USD với mục tiêu sản xuất thiết bị chơi game, phụ kiện điện thoại, loa thông minh, bộ điều khiển game; các loại máy tính tại TP Hải Phòng được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 30-10-2020… Đặc biệt, Pegatron là tập đoàn chuyên cung ứng linh kiện cho các "ông lớn" trong ngành điện tử như Apple, Sony, Microsoft, Lenovo... Đây cũng chính là những đối tác mà doanh nghiệp (DN) nội địa Việt Nam muốn liên kết để trở thành một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với sự góp mặt của hàng loạt dự án quy mô khá trở lên, năm 2020, theo báo cáo của Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), vốn đăng ký điều chỉnh tăng 10,6% dù tổng vốn vào Việt Nam ước đạt 28,5 tỉ USD, giảm 25% so với năm 2019 do những tác động khó tránh khỏi từ dịch bệnh. Bởi vậy, thu hút FDI vẫn là điểm sáng và đóng góp vai trò khá quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nói chung. "Với một đất nước "đi sau" như Việt Nam, đầu tư - bao gồm cả FDI và đầu tư trong nước - vẫn là một trong những trụ cột quan trọng, không thể xem nhẹ" - GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, đánh giá.

Theo chuyên gia Đỗ Thiên Anh Tuấn, cửa vẫn luôn rộng mở với những DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia dù DN đã bị "bào mòn" ít nhiều dưới tác động của dịch Covid-19. Còn đại diện Samsung Việt Nam thì thừa nhận không chỉ với Samsung, các nhà đầu tư FDI đều nhận thấy môi trường đầu tư tại Việt Nam ổn định hơn so với nơi khác và môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện cùng với sự chuẩn bị tốt về hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực. Từ đó, có cơ sở để khẳng định triển vọng tăng đầu tư như một đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế.

Tập đoàn Samsung liên tục có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam những năm qua, kể cả trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tập đoàn Samsung liên tục có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam những năm qua, kể cả trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Làm gì để đón "đại bàng"?

Tại một hội thảo gần đây về phát triển chuỗi giá trị bền vững, bà Đào Thị Thu Huyền, Quản lý cấp cao Canon Việt Nam, cho biết DN này đã đăng phát rộng rãi trên website thông tin Canon hiện có 59 nhóm linh kiện cần nội địa hóa ở Việt Nam. Nhưng đáng tiếc là những DN thuần Việt chỉ có khả năng cung cấp được một số linh kiện nhựa hoặc bao bì đơn giản. "Một nhóm linh kiện là con ốc cũng có mấy chục loại, tương tự một linh kiện nhựa cũng có hàng chục loại. Nếu DN chỉ tập trung sản xuất một vài linh kiện đã có nhà cung cấp rồi thì cạnh tranh sẽ rất lớn. Tại sao DN Việt không tìm tòi, sáng tạo để sản xuất những linh kiện chưa có nhà cung cấp" - bà Huyền đặt câu hỏi.

Đại diện Samsung Việt Nam chỉ ra điểm hạn chế của DN Việt Nam là không đáp ứng được rất nhiều tiêu chí về năng lực tài chính, môi trường, tính tuân thủ pháp luật… Đây là những tiêu chí được cập nhật vào hệ thống để quyết định lựa chọn nhà cung cấp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. "Một con ốc năm nay bán cho Samsung giá 1 đồng nhưng năm sau chỉ bán với giá 0,8 đồng hoặc vẫn bán giá 1 đồng nhưng chất lượng phải tốt hơn" - đại diện Samsung nêu ví dụ một điều kiện mà DN Việt cần đáp ứng để được tham gia chuỗi giá trị.

Những câu chuyện trên cho thấy khả năng bước chân vào chuỗi giá trị của DN Việt còn rất yếu, trong khi chỉ tham gia chuỗi giá trị thì giá trị gia tăng thu được mới lớn cũng như có thể đóng góp thật vào nền kinh tế, thay vì xuất khẩu hộ. Bài toán dành cho Chính phủ cũng như bản thân DN trong năm 2021 là phải làm sao nâng cao năng lực sản xuất, chen chân được vào chuỗi cung ứng của thế giới.

Ở góc độ thu hút đầu tư, các chuyên gia góp ý Việt Nam không nên tiếp tục dễ dãi trong việc thu hút FDI. GS Võ Đại Lược cho rằng muốn đón được làn sóng FDI đang được dự báo sẽ đổ về Việt Nam mạnh mẽ hơn trước, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ - ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Bộ Chính trị theo hướng kiên quyết không thu hút FDI bằng mọi giá. Cần loại những dự án đầu tư gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ thấp gây tiêu hao quá nhiều năng lượng; chỉ có chính sách ưu đãi cho DN có cam kết sử dụng công nghệ xanh và chuyển giao công nghệ cho Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn góp ý để làn sóng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam trong năm 2021, yếu tố tiên quyết là phải giữ vững thành quả chống dịch. Cùng với đó, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đón và tận dụng xu hướng dịch chuyển của dòng vốn ngoại; đầu tư vào nguồn nhân lực; tăng năng suất lao động… bởi đây vẫn là những yếu tố nội tại quyết định việc giữ chân nhà đầu tư.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-1

Phương Nhung - Thái Phương

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/kinh-te/them-dong-luc-tang-truong--don-dong-von-dau-tu-moi-20210104224232955.htm