Thêm động lực, tạo diện mạo mới
Thời gian qua, Việt Nam đã quan tâm, chú trọng xây dựng và đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN), góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ KH&CN, dự toán chi sự nghiệp KH&CN năm 2019 được Quốc hội phê duyệt là 13.563,3 tỷ đồng, trong đó, sự nghiệp KH&CN trung ương là 9.895 tỷ đồng (77,15%); địa phương: 2.930 tỷ đồng (22,85%); vốn nước ngoài: 738,3 tỷ đồng. Bên cạnh các quỹ KH&CN quốc gia, quỹ phát triển KH&CN của bộ, ngành, địa phương, nhiều doanh nghiệp tiếp tục quan tâm trích lập quỹ phát triển KH&CN, tạo nguồn lực quan trọng để doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, tỷ trọng đầu tư giữa nhà nước và doanh nghiệp cho KH&CN được cải thiện theo chiều hướng tích cực, đầu tư của khu vực doanh nghiệp chiếm 48% tổng đầu tư cho KH&CN (trong khi 5 năm trước là 30%).
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, Bộ KH&CN tập trung hướng dẫn triển khai và tiến hành khảo sát tình hình phê duyệt, thực hiện phương án tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. Đến nay, tại các bộ, ngành, đã có 175 tổ chức KH&CN công lập được phê duyệt phương án và giao quyền tự chủ, 15 tổ chức chưa được phê duyệt. Tại các địa phương, có 117 tổ chức KH&CN công lập được phê duyệt phương án và giao quyền tự chủ, 23 tổ chức chưa được phê duyệt.
Đáng chú ý, những năm gần đây, một số tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tiên tiến đã được thành lập ở cả khu vực công và tư với mục đích tạo ra những đột phá trong hoạt động KH&CN. Có thể kể đến: Viện Toán cao cấp, Viện V-KIST, Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn thuộc Vintech và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech. Năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam có 3 đại học nằm trong Bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới của tuần san Times Higher Education (Anh) công bố gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả này cũng phản ánh xu hướng nghiên cứu đang gia tăng trong các trường đại học.
Chưa kể, đội ngũ nhân lực KH&CN phát triển cả về số lượng và chất lượng với khoảng 67.000 cán bộ nghiên cứu (đạt 7 người/vạn dân), trong đó nhiều nhà khoa học có uy tín được thế giới công nhận. Để phát triển nhân lực KH&CN, trong thời gian qua, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2014/NĐ-CP và Nghị định số 87/2014/NĐ-CP, trong đó làm rõ trình tự, thủ tục lựa chọn công nhận nhà khoa học đầu ngành và chính sách thu hút các cá nhân hoạt động KH&CN là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án đào tạo và bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; tiếp tục triển khai thực hiện quy trình, thủ tục xét bổ nhiệm đặc cách vào chức danh khoa học, chức danh công nghệ đối với cá nhân hoạt động KH&CN có thành tích.
Ngoài ra, hạ tầng thông tin KH&CN tiếp tục được hoàn thiện để phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và phục vụ công tác quản lý; hoàn thiện cơ sở dữ liệu nhiệm vụ KH&CN, là công cụ giúp các cơ quan quản lý ở bộ, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN. Tài liệu, dữ liệu KH&CN ở trong nước và nước ngoài được cung cấp trực tiếp và trực tuyến để hỗ trợ các nhà khoa học tiếp cận sử dụng các nguồn tin KH&CN có giá trị, góp phần nâng cao chất lượng các công trình nghiên cứu.
Năm 2020, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, đặc biệt, sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư KH&CN.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/them-dong-luc-tao-dien-mao-moi-131438.html