Thêm 'gia vị' để sân khấu bớt đơn điệu

Để không đơn điệu và hút khán giả tới rạp, nhiều tác phẩm sân khấu nước ta gần đây đã có sự pha trộn giữa nhiều loại hình nghệ thuật, đồng thời đưa vào công nghệ hỗ trợ về phần nhìn.

Sự đổi mới này ít nhiều đã tạo ra hiệu ứng tích cực, giúp cho vở diễn trở nên hấp dẫn và không còn cảm giác nhàm chán với khán giả.

Lan tỏa nhờ sự “pha trộn” sáng tạo

Sân khấu là loại hình nghệ thuật đa dạng. Thông thường, một vở cải lương, khán giả đã quen với việc xem nghệ sĩ biểu diễn, được nghe những lời ca tiếng hát đặc trưng của loại hình này mà ít thấy sự kết hợp với xiếc hoặc âm nhạc, nghệ thuật múa thời hiện đại. Tuy nhiên, trải qua thời gian, nhiều vở diễn của các đơn vị nghệ thuật ở nước ta đã có sự đổi mới, nổi bật nhất là sự “pha trộn” một số loại hình nghệ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến. Điều này đã làm cho nhiều tác phẩm trở nên sống động, hút được người xem và giúp vở diễn thoát khỏi sự nhàm chán.

Chuyện tình Khau Vai - vở cải lương với nhiều sáng tạo luôn chật kín khán giả trong các suất diễn.

Chuyện tình Khau Vai - vở cải lương với nhiều sáng tạo luôn chật kín khán giả trong các suất diễn.

Kể từ khi ra mắt, vở cải lương Chuyện tình Khau Vai (tác giả Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể và đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên) luôn kín khán giả. Vở cải lương này không chỉ hấp dẫn bởi phản ánh câu chuyện về huyền tích đã hình thành nên một nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc vùng cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), mà còn cuốn hút ở sự sáng tạo. Đó là những nét văn hóa đặc trưng của người Tây Bắc cũng được đưa lên sân khấu, từ bài dân ca Cao Lan, tới cúng tế, nuôi Mo trong nhà tộc trưởng... Vở kịch hát Ngàn năm mây trắng dưới bàn tay dàn dựng của NSND Thúy Ngoan và NSND Triệu Trung Kiên có tính đột phá, kể câu chuyện lấy cảm hứng từ nàng Tô Thị, hòn Vọng Phu có sự kết hợp độc đáo của 4 loại hình sân khấu truyền thống: cải lương, chèo, xẩm và hát văn Huế. Bên cạnh đó, nhiều vở diễn của Nhà hát Cải lương Việt Nam thời gian qua đến với khán giả cũng là những tác phẩm sân khấu đặc sắc. Trong đó có thể kể tới vở Hừng đông, Mai Hắc Đế, Vua Phật, Ni sư Hương Tràng..., cho thấy các nghệ sĩ không ngừng sáng tạo, nỗ lực đưa vào những kỹ xảo điện ảnh, đầu tư hệ thống âm thanh, ánh sáng tiên tiến nhất để người xem “đã mắt, sướng tai”.

Trong nỗ lực kéo khán giả tới rạp, Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng không ngừng đổi mới trong dàn dựng, nâng cao chất lượng nội dung và đánh trúng tâm lý người xem. Những vở diễn ngắn của đơn vị này như: Tình yêu qua mạng, Sếp vợ, Bệnh quảng cáo không chỉ làm khán giả thấy thích thú khi được tiếp cận những thông điệp thời sự của cuộc sống hiện đại qua những nhân vật, lời thoại gần gũi, hài hước mà còn nhận thấy những khác lạ. Ở những tác phẩm này, đan xen cùng những lớp vọng cổ đặc trưng của cải lương thì những giai điệu hiện đại của ca khúc Chiếc khăn Piêu, Vọng cổ teen...vốn gần gũi với giới trẻ khiến các vở diễn tăng tiết tấu, người xem thêm hứng khởi.

Ngoài ra, vở cải lương Nhật thực (tác giả Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương Nguyên Phương, đạo diễn Lê Nguyên Đạt) cũng được khán giả đón nhận trong thời gian qua. Được đánh giá cao bởi sự thử nghiệm độc đáo của NSƯT Nguyên Đạt ở một loại hình sân khấu truyền thống như cải lương, Nhật thực không chỉ kể câu chuyện về sự đấu tranh giữa thiện - ác qua quá trình tìm kiếm bản ngã của người nghệ sĩ với chỉ duy nhất một nghệ sĩ ca diễn làm chủ sân khấu mà còn ở sự kết hợp đa dạng loại hình nghệ thuật: múa hình thể, kịch mặt nạ, hát bội... trong tác phẩm. Chính sự sáng tạo và pha trộn giữa nhiều loại hình nghệ thuật mang tính thử nghiệm đã làm cho Nhật thực được nâng tầm, khác lạ và khán giả yêu mến.

Kỳ vọng chất mới

Với mong muốn mang đến cho khán giả sản phẩm nghệ thuật giải trí và tạo nên đời sống mới cho tác phẩm, mới đây Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết sẽ thực hiện dự án sân khấu Huyền sử Việt từ 2020 - 2023. NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, Huyền sử Việt chú trọng việc sử dụng các ứng dụng công nghệ cho sân khấu, đạo cụ và âm thanh ánh sáng. Sân khấu được trang trí theo từng cảnh của vở diễn, sử dụng không gian, các sân khấu phụ kết hợp tương tác cùng khán giả. Các màn biến hóa, tạo không gian ảo huyền bí giữa hai loại hình sân khấu là xiếc và cải lương hứa hẹn sẽ đem đến những cảm xúc khó quên đối với khán giả.

Trong khi đó, NSND Triệu Trung Kiên, quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, Huyền sử Việt là cái bắt tay nồng ấm giữa xiếc và cải lương, từ đây mở ra cơ hội để các nghệ sĩ xiếc được nâng cao nghệ thuật diễn xuất trên sân khấu, các nghệ sĩ cải lương sẽ bổ sung các kỹ năng phụ trợ mang tính hấp dẫn và giải trí do các nghệ sĩ xiếc “truyền nghề”.

Một điểm nữa cho thấy Huyền sử Việt là dự án sân khấu được mong chờ, đó là các nghệ sĩ sẽ phản ánh những huyền thoại về tứ bất tử, 4 vị thánh trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam gồm Tản Viên Sơn Thánh, Phù Ðổng Thiên Vương, Chử Ðồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh tới khán giả. Ðây là lần đầu các nghệ sĩ xiếc và cải lương cùng phối hợp để xây dựng tác phẩm theo hình thức nhạc kịch xiếc quốc tế, nhưng bằng ngôn ngữ cải lương cùng các màn tung hứng, đu dây, nhào lộn, thăng bằng trên không...

Theo thống kê, hiện nay nước ta có khoảng 80 nhà hát, công trình có chức năng tương đương đang hoạt động, nhưng với sự bùng nổ về các chương trình giải trí mới cùng sự chi phối của điện ảnh, âm nhạc, gameshow truyền hình... nên nhiều buổi diễn của nghệ thuật sân khấu thưa vắng người xem. Bên cạnh đó, các nhà hát và đơn vị nghệ thuật có thể áp dụng những thành tựu của các mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động của mình. Thực tế cho thấy, một số đơn vị có tư duy đổi mới thì cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị âm thanh, ánh sáng lại nghèo nàn, lạc hậu không thể đáp ứng yêu cầu. Trong khi đó, các nhà hát, đơn vị đủ điều kiện thì không có nhân lực đủ khả năng sử dụng và phát huy kỹ thuật hiện đại. Khó khăn trong đổi mới ở sân khấu, tìm lại sức sống cho loại hình nghệ thuật này trong đời sống tinh thần đương đại là thực trạng chung của sân khấu Việt thời gian qua.

Tuy nhiên với những tác phẩm kể trên vừa có nội dung hấp dẫn, vừa pha trộn giữa các loại hình nghệ thuật khác và được đầu tư về công nghệ nhằm hỗ trợ dàn dựng đã giúp cho sân khấu Việt có thêm sức sống, đem lại nhiều sự kỳ vọng nơi công chúng. Theo giới làm nghề, với những gì đã và đang có, khán giả hoàn toàn có quyền tin tưởng vào sự thức dậy của sân khấu Việt trước những sáng tạo mới của các nghệ sĩ. Không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đổi mới nên đời sống sân khấu Việt đã đa dạng hơn, những tư duy mới cũng xuất hiện làm phong phú hơn sân khấu truyền thống.

Trung Kiên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/them-gia-vi-de-san-khau-bot-don-dieu-n169832.html