Thêm giải pháp tăng thu từ kinh doanh xăng dầu

570 tỷ đồng là số tiền Cục Thuế Thái Nguyên được HĐND tỉnh giao thu trong năm 2023 đối với nguồn thuế bảo vệ môi trường.

Trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh Thái Nguyên tiêu thụ 20.000-25.000m3 xăng dầu.

Trung bình mỗi tháng, toàn tỉnh Thái Nguyên tiêu thụ 20.000-25.000m3 xăng dầu.

Theo bà Nguyễn Thị Thuận, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Phần lớn chỉ tiêu thu thuế bảo vệ môi trường đến từ kinh doanh mặt hàng xăng dầu. Cuối năm 2022, khi các tỉnh được giao chỉ tiêu thu này, Bộ Tài chính dựa trên cơ sở tính toán thu thuế bảo vệ môi trường của mỗi lít xăng, dầu là 4.000 đồng. Tuy nhiên, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh giảm 50% thuế suất đối với xăng dầu, nhưng chỉ tiêu giao thu ngân sách lại không thay đổi.

Từ thực tế đó, giữa quý II/2023, Cục Thuế Thái Nguyên đã làm việc với các thương nhân phân phối mặt hàng xăng dầu (có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh) để động viên nhập hàng từ doanh nghiệp đầu mối nộp thuế tại tỉnh. Từ đó đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Nếu các doanh nghiệp đầu mối nhập hàng từ tỉnh khác, Thái Nguyên sẽ không thu được thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Với tinh thần chia sẻ, đồng hành và ủng hộ tỉnh, các doanh nghiệp đều nhất trí, thống nhất cao. Hiện nay, doanh nghiệp đã bước đầu hợp tác với các thương nhân hoạt động theo ủy quyền của thương nhân đầu mối đang nộp thuế tại tỉnh.

Bên cạnh đó, để nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh và sự phối hợp của các doanh nghiệp, cũng như giải quyết những vấn đề có thể nảy sinh vướng mắc từ sự hợp tác giữa các bên, ngày 12-7, UBND tỉnh đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Tại đây, các doanh nghiệp đầu mối đều bày tỏ sự ủng hộ, đồng hành với tỉnh vì sự phát triển chung. Đồng thời, đề xuất với các thương nhân hoạt động theo ủy quyền của thương nhân đầu mối tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về nguồn hàng, phương thức giao hàng và tỷ lệ chiết khấu để 2 bên cùng có lợi và hoạt động ổn định.

Đánh giá kết quả hợp tác bước đầu, cơ bản các doanh nghiệp đầu mối đều khẳng định, sản lượng tiêu thụ đang được thực hiện khá tốt theo hợp đồng ký kết giữa các bên. Trên cơ sở này, một số doanh nghiệp cũng đã bày tỏ mong muốn sẽ tăng sản lượng tiêu thụ lên gấp 2 lần trong thời gian tới.

Nhờ những kết quả bước đầu, trong tháng 6/2023, nguồn thu thuế bảo vệ môi trường từ mặt hàng xăng dầu của tỉnh đã tăng thêm gần 6 tỷ đồng so với các tháng trước đó. Nếu tiến độ này tiếp tục được duy trì và mở rộng trong các tháng cuối năm, thì có khả năng sẽ bù đắp được phần hụt thu thuế bảo vệ môi trường do chính sách miễn giảm của Nhà nước.

Hiện nay, sản lượng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 20.000-25.000 m3 xăng, dầu/tháng. Toàn tỉnh hiện có 1 thương nhân hoạt động theo ủy quyền của thương nhân đầu mối; 5 thương nhân phân phối xăng, dầu có trụ sở chính trên địa bàn. Thái Nguyên hiện có 208 cửa hàng kinh doanh xăng dầu được cấp phép hoạt động.

Theo đại diện Sở Công Thương, dư địa để các nhà cung cấp bán sản lượng cho các thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn nhiều.

Vì thế, ngay tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến đã đề nghị các thương nhân hoạt động theo ủy quyền của thương nhân đầu mối tục quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư kho chứa hàng và mở thêm cửa hàng kinh doanh tại tỉnh. Qua đó, tăng sản lượng bán ra, vừa để phục vụ nhu cầu người dân, doanh nghiệp và có thêm thuận lợi, vừa đáp ứng tốt hơn cho các thương nhân đầu mối, cũng như để đóng góp nhiều hơn cho ngân sách tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các sở, ngành liên quan cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy và những vấn đề liên quan khác để các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202307/them-giai-phap-tang-thu-tu-kinh-doanh-xang-dau-3907083/