Thêm giải pháp thu hút thí sinh những ngành truyền thống
Trong khi những ngành Thiết kế đồ họa, Sư phạm Mỹ thuật tăng số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh, thì hai ngành truyền thống là Hội họa và Điêu khắc tại Trường đại học Nghệ thuật tiếp tục gặp khó.
Khó tuyển, nhưng có nhiều cơ hội việc làm
Tuyển sinh năm 2023, tổng số chỉ tiêu đại học chính quy của Trường đại học Nghệ thuật là 192 chỉ tiêu, tăng 57 chỉ tiêu so với năm 2022; trong đó, ngành Hội họa (mã số 7210103) năm nay lấy 12 chỉ tiêu và ngành Điêu khắc (mã số 7210105) lấy 5 chỉ tiêu.
Theo bộ phận tuyển sinh của trường này, tổng số lượt thí sinh đăng ký tham gia đánh giá năng lực các môn năng khiếu do trường tổ chức là 220 thí sinh. Ngành có thí sinh đăng ký nhiều là Thiết kế đồ họa và ngành Sư phạm Mỹ thuật. Trong khi đó, ngành có thí sinh đăng ký ít nhất là Điêu khắc và Hội họa. Cụ thể, thí sinh đăng ký đánh giá năng lực đối với ngành Hội họa là 10 thí sinh; ngành Điêu khắc chỉ có 1 thí sinh đăng ký dự thi.
Thực tế hai ngành truyền thống này khó tuyển sinh đã kéo dài suốt nhiều năm qua. Thậm chí có năm tuyển được duy nhất 1 sinh viên, nhưng sau nửa năm học thì sinh viên này cũng bỏ học. Lý do là vì đây là hai ngành đào tạo đặc thù, có tính năng khiếu nên “kén” người học. Trong khi đó, có nhiều ngành đào tạo mới, có sức hút mạnh đối với nhiều thí sinh.
Điều đáng nói ở đây là trong khi tuyển khó, nhưng đầu ra vẫn có nhiều cơ hội việc làm. Minh chứng là các công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng. Như các công ty, doanh nghiệp kinh doanh đá nghệ thuật ở Đà Nẵng luôn có nhu cầu tuyển dụng mỗi năm không dưới 10 sinh viên ngành Điêu khắc, với mức lương trên dưới 20 triệu đồng/tháng.
Với hai ngành Hội họa và Điêu khắc, Trường đại học Nghệ thuật đang triển khai những giải pháp tăng nguồn tuyển sinh, như có những suất học bổng dành riêng cho sinh viên đạt kết quả cao trong đợt tuyển sinh. Hỗ trợ sinh viên tìm kiếm các nguồn học bổng ở trong và ngoài nước. Hỗ trợ luyện thi Mỹ thuật miễn phí. Tư vấn, hướng dẫn cho thí sinh về các ngành đào tạo. Hỗ trợ, liên hệ nhà tuyển dụng giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành đào tạo.
Cần giải pháp mới
Những giải pháp được nêu trên đã triển khai một thời gian, không còn mới và thực tế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp mới, cấp thiết và hiệu quả hơn.
TS. Phan Lê Chung, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nghệ thuật cho biết, Điêu khắc và Hội họa tuyển sinh khó khăn, nhưng đây là những ngành truyền thống và bản lề của nhà trường từ những ngày đầu thành lập. Hội họa và điêu khắc cũng là 2 yếu tố cốt lõi trong nghệ thuật, nên trường sẽ cố gắng duy trì, hỗ trợ và tìm kiếm các nguồn tuyển đối với các ngành học này.
TS. Phan Lê Chung nêu giải pháp, trường sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá ngành học với học sinh trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Tăng cường tổ chức và tương tác các ngành học của trường với các hoạt động chung tại địa phương về lĩnh vực mỹ thuật. Kết nối và ký kết hợp tác cung cấp nguồn nhân lực mỹ thuật cho các công ty đơn vị có nhu cầu tuyển dụng. Tăng cường các hoạt động workshop (hình thức đào tạo mang tính tương tác), buổi nói chuyện của các học giả, nhà nghiên cứu, họa sĩ, nhà thiết kế… nổi tiếng để chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng cho sinh viên.
“Đặc biệt, tìm kiếm, kết nối các cơ hội việc làm, việc bán thời gian cho các sinh viên, gắn bài học với các sản phẩm thực tế, các sản phẩm có khả năng thương mại hóa. Xây dựng các mô hình học xưởng cho sinh viên để tăng cường hỗ trợ môi trường học tập sáng tạo phù hợp với đặc thù. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, môi trường thân thiện cho sinh viên khi đến học tập tại nhà trường…”, TS. Phan Lê Chung chia sẻ.
Một giải pháp được Trường đại học Nghệ thuật đặt ra là tăng cường công tác quảng bá thông qua các hoạt động sáng tác, triển lãm tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước; tổ chức thêm nhiều hoạt động đưa nghệ thuật ra đường phố, đưa triển lãm nghệ thuật vào trường phổ thông... để tăng cường sự tương tác giữa nhà trường với xã hội. Qua đó, phát huy vai trò của nghệ thuật trong đời sống đương đại, đặc biệt là vùng đất giàu văn hóa như Huế.
PGS. TS. Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế nhấn mạnh, Đại học Huế đang trong lộ trình xây dựng Đại học Quốc gia. Với đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo; trong đó, có những ngành mà nhiều nơi không có như nghệ thuật là tiền đề quan trọng để Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia. Chính vì thế, Đại học Huế sẽ nghiên cứu những giải pháp mới, có những ưu tiên để Trường đại học Nghệ thuật phát huy được vai trò trong đào tạo, bảo tồn và phát huy văn hóa, nghệ thuật.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng có đề xuất, các trường ngành nghệ thuật giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc, nhưng Trường đại học Nghệ thuật và Học viện Âm nhạc đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần có cơ chế riêng đặc thù để tháo gỡ và tạo điều kiện để các trường, học viện hoạt động phát huy tốt hiệu quả.