Thềm giếng hoa bưởi thoảng đưa...
Mùa Xuân rót xuống trần gian muôn vàn tia nắng mang màu giọt mật ong non sóng sánh, bao trùm lên cây bưởi cạnh thềm giếng đang trổ những bông hoa trắng đưa hương ngọt ngào…
Những ngày thơ ấu, cứ ra Giêng, bà lại tỉ mẩn nhặt những bông hoa bưởi cho vào chiếc mẹt phơi phóng thật khô để làm trà. Để có chén trà hoa bưởi đúng vị, thơm hương đất trời mùa Xuân, bà phải nhặt nhạnh từng bông hoa bưởi còn nguyên hoặc hoa đang còn chúm chím nụ. Những bông hoa bưởi rụng trong ngày, có màu trắng trong, mới làm nên được chén trà thơm ngon. Bà cẩn thận tách từng cánh hoa ra, gạt bỏ nhụy khỏi trà bị đắng.
Chiếc thạp gốm, bà đựng cánh hoa bưởi được sao lên, ủ lẫn với búp trà xanh đã sơ chế. Mỗi lớp trà là một lớp cánh hoa. Xong xuôi đậy nắp, chờ khoảng hai ngày là có thể mang trà ra sao lại và trực tiếp hãm với nước nóng để dùng. Khách đến chơi nhà, câu chuyện ấm đầu môi có thêm chén trà ướp hoa bưởi thoảng đưa, vị ngọt hậu đọng lại nơi cuống lưỡi, trong tiếng cười giòn tan ấm cả một vùng trời mùa Xuân. Trà hoa bưởi bà ướp để nhà dùng, mang biếu bà con ở phố hay con cháu xa quê lên phố cũng thích được giắt ba lô một túi trà. Đó cũng là cách để vơi đi nỗi nhớ quê hương mỗi khi đi xa, bà móm mém cười hiền thủ thỉ.
Mẹ thì lại tận dụng những chiếc nhụy hoa bưởi bà tách ra, thêm những cánh hoa nở bung cho vào nồi nước để gội đầu. Hoa bưởi có mùi thơm dịu nhẹ, mùi đặc trưng của loài hoa đồng nội thôn quê. Tinh dầu từ nhụy hoa thơm thơm, thoảng đưa nép mãi sau mớ tóc mây mượt mà. Những đứa con mải mê áo cơm chữ nghĩa cứ mỗi độ Xuân về thì luôn ngóng mẹ nấu một nồi nước hoa bưởi để gội đầu. Còn nhớ, bên thềm giếng, ngày xưa, từng đứa một xếp hàng để được mẹ gội đầu bằng nước hoa bưởi. Mẹ gội cho con không biết bao nhiêu mùa Xuân dịu dàng như thế, từ thuở tóc mẹ còn xanh đến lấm tấm hoa tiêu. Và kiếp làm con thật hạnh phúc biết bao nhiêu khi đến tuổi làm vợ, làm mẹ vẫn được bàn tay yêu thương của mẹ hiền gội đầu mỗi độ Xuân về. Đôi bàn tay xương xẩu, có nhiều nốt chai sần nhắc nhớ cả một quãng thời gian khắc nghiệt khó khổ và cả tình thương vô bờ bến tình mẫu tử.
Mùa hoa bưởi nhắc nhớ một thời gian khó, mẹ chịu khó chẻ từng cây mía, đốn thành từng đốt nhỏ vừa ăn cho vào túi bóng và ướp với cánh bưởi trắng muốt mang ra chợ bán. Những túi mía ướp hương hoa bưởi mãi là túi thức quà quê dân dã, ngọt ngào mà bất kể ai đi xa cũng đều lưu luyến nhớ về. Và sau này, mẹ bươn chải mang hoa bưởi lên thị thành, rong ruổi khắp các con phố nhỏ để bán cho người ta. Người ở phố thích hoa bưởi như cách để người ta vơi đi nỗi nhớ quê nhà. Có chùm hoa bưởi thơm lừng cả gian phòng, len đầy trên nụ cười mùa Xuân ngọt ngào. Với những người con như tôi, mẹ như sứ giả của đất trời giêng hai, mang hương thơm từ quê lên phố. Và mùi hương ấy luôn in đậm trong ký ức của những người con xa quê, để nhớ thương và nhắc nhớ một vùng trời bình yên.
Những đứa con của cha mẹ vẫn cứ mải mê cơm áo để một sớm Xuân lành, chợt rưng rưng nhận ra cây bưởi nơi thềm giếng đã trổ những bông hoa trắng muốt. Dáng bà, dáng mẹ hao gầy, lam lũ, tỉ mẩn chọn từng cánh hoa bưởi để ướp trà, ướp mía gửi lên phố cho con cháu. Lạ vô cùng, dẫu không kề cạnh nhưng trong tâm tưởng thì vẫn cảm nhận được hương hoa bưởi thoảng đưa, lòng cứ vời vợi niềm nhớ thương ngày cũ. Và chính xác, đó chính là hương vị của yêu thương, của gia đình, của mùa Xuân ngọt ngào phía trước…
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/them-gieng-hoa-buoi-thoang-dua-post458766.html