Thêm góc nhìn về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu

Tiểu thuyết 'Hừng đông' (Nhà xuất bản Văn học, năm 2020) của PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã giúp người đọc hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Phan Đăng Lưu (1902-1941), nhà cách mạng, trí thức tiêu biểu của Đảng và dân tộc ta.

“Hừng đông” có dung lượng gần 300 trang, gồm 11 chương, là quá trình tâm huyết thu thập, tra cứu tài liệu, đi điền dã một số địa điểm, gặp một số nhân chứng... trong thời gian từ 10 đến 15 năm trở lại đây của tác giả. Cũng vì cùng sinh ra tại quê hương Yên Thành (Nghệ An) nên tác giả cuốn tiểu thuyết này đã có được sự đồng điệu với nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ cho biết: “Ông nội tôi cùng tuổi với cụ Phan Đăng Lưu. Từ nhỏ, tôi đã được ông bà, cha mẹ kể nhiều câu chuyện về cụ Phan Đăng Lưu. Viết về một người cộng sản ưu tú, kiệt xuất, ở một giai đoạn lịch sử dựng Đảng, cứu nước, cứu dân đầy bi hùng, máu lửa nên tôi cố gắng đến mức cao nhất để bảo đảm tính chân thật, khách quan, nhân văn, sinh động”.

 Bìa tiểu thuyết “Hừng Đông”.

Bìa tiểu thuyết “Hừng Đông”.

Trong “Hừng Đông”, hình ảnh Phan Đăng Lưu hiện lên chân thật là một kỹ sư canh nông thông minh và hài hước. Sở dĩ ông muốn làm kỹ sư canh nông là muốn giúp người dân lam lũ thoát nghèo chính từ nông nghiệp. Trong suốt cuộc đời, Phan Đăng Lưu có quá ít thời gian để nghĩ đến bản thân. Trong sâu thẳm tâm can, ông luôn canh cánh rằng đất nước có độc lập thì gia đình mới có ấm no, hạnh phúc. Thế nên cả cuộc đời mình, tất cả sức lực, trí tuệ, lý tưởng và thân xác, ông đều nguyện dành trọn cho sự nghiệp cách mạng. Ngay cả việc lập gia đình, Phan Đăng Lưu cũng thuận theo lời cha mẹ. Khi vợ chồng chưa quen chăn quen gối, ông đã phải đi xa vì lý tưởng của mình.

Trong quãng thời gian công tác tại Vinh, Phan Đăng Lưu tham gia Hội Phục Việt. Ông luôn nhận rõ bản chất xấu xa của chế độ thực dân phong kiến, nỗi thống khổ của tầng lớp công nhân, nông dân; ngưỡng mộ những nhà yêu nước và cách mạng đáng kính như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc. Quá trình gặp gỡ, kết thành đồng chí tiếp đó với Trần Phú, Trần Đình Thanh, Trần Văn Tăng, Hà Huy Tập... càng định rõ con đường dấn thân cho sự nghiệp cách mạng của ông. Sau này, Phan Đăng Lưu giữ chức Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Nam Kỳ.

Người đọc ấn tượng bởi chí khí của nhà cách mạng Phan Đăng Lưu. Quãng thời gian ở khu biệt giam, bị địch tra tấn dã man nhưng với bản lĩnh và ý chí kiên cường, ông không khuất phục. Ngay cả khi trong thời khắc Phan Đăng Lưu bị hành hình, ông đã dõng dạc hô lớn: “Đế quốc Pháp còn xâm lược, còn áp bức bóc lột đất nước chúng tôi thì nhân dân chúng tôi còn nổi dậy làm cách mạng cho tới thắng lợi hoàn toàn”.

Trong “Hừng Đông”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ có nhiều tâm sự muốn gửi gắm thông qua câu chữ. Tác giả đặt người đọc trước sự đối sánh về phẩm chất của những người cộng sản chân chính và một số không ít người mang danh cộng sản để làm những điều trái lương tâm. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã mượn lời nhân vật gọi đó là “lũ chuột” đang làm ô danh Đảng: “Đừng coi thường lũ chuột... trong bóng tối. Chúng dễ sinh sôi và có thể làm mọi trò bẩn thỉu để có miếng ăn. Chúng cũng sẵn sàng cắn phá mọi thứ tài sản to lớn mà phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của người ta mới tích lũy được. Lũ chuột cũng có thể làm hỏng việc lớn...”. Đó cũng chính là thời khắc Phan Đăng Lưu nhận ra mình bị Trịnh Bá Chí phản trắc, chỉ điểm.

Hình tượng người cộng sản, nhà lãnh đạo cách mạng Phan Đăng Lưu từng được tác giả Nguyễn Thế Kỷ xây dựng kịch bản sân khấu cùng tên, được công diễn với hai phiên bản nghệ thuật là sân khấu cải lương và kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh. Trong “Hừng Đông” phiên bản tiểu thuyết lần này, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã giúp người đọc có thêm góc nhìn cụ thể, chân thực, sinh động về người cộng sản tiêu biểu Phan Đăng Lưu.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/them-goc-nhin-ve-nha-cach-mang-phan-dang-luu-657252