Thêm góc nhìn về tình đoàn kết Việt – Trung
Với kết cấu 7 chương, hơn 7 vạn từ, tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2023) của Trung tá QNCN, nhà văn Phạm Vân Anh (Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng) đã dựng lại cho độc giả một hình dung về tình đoàn kết, gắn bó, “nhường cơm sẻ áo”, “chia lửa, chia máu” giữa những chiến sĩ Quân đội ta và Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn từ tháng 6 đến tháng 10-1949.
Đây được coi là một trong những sứ mệnh quốc tế đầu tiên mà Quân đội ta thực hiện khi điều kiện trong nước đang diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vô cùng gian khổ, ác liệt. Những chiến sĩ cách mạng hai nước, mang vẻ đẹp của người cộng sản và tinh thần quốc tế vô sản đã kề vai sát cánh, cùng nhau chiến đấu để giải phóng một vùng biên khu Điền Quế-Việt Quế rộng lớn. Chiến dịch kết thúc thắng lợi ngay trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời (1-10-1949).
Tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế”.
Với thế mạnh có hàng chục năm gắn bó với biên cương địa đầu của Tổ quốc, có sự thấu hiểu sâu sắc về dư địa chí, văn hóa bản địa và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới Đông Bắc, nhà văn Phạm Vân Anh đã viết về người chiến sĩ hai bên biên giới với tình cảm gắn bó hơn nửa thế kỷ như viết về chính thế hệ mình, con người gan ruột của mình một cách chân thật nhất. Tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” miêu tả thành công quá trình chiến đấu anh dũng của bộ đội Việt Nam phối hợp tác chiến với Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Điều đó biểu hiện cụ thể trong tác phẩm ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật, tập trung trên 3 phương diện chính là nhân vật, biểu tượng, ngôn ngữ.
Với sự tri ân quá khứ, biết ơn các thế hệ cha anh, nhà văn Phạm Vân Anh đã triển khai thi pháp của “Biên khu Việt Quế” một cách chân thực, sinh động, mở được không gian quá khứ cùng cảnh vật, con người, suy nghĩ, cách nói… của giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Các chi tiết, sự kiện tuy được văn chương hóa song đều từ nền tảng sự thật, văn phong luôn tràn đầy cảm hứng sáng tác tự hào, thậm chí có những phân đoạn “sử thi hóa” nhân vật của mình.
Đặc biệt là tình người, tình đồng chí, đồng đội, tinh thần nhân văn, tính trong sáng vô tư giúp đỡ lẫn nhau của hai đội quân cách mạng Việt Nam và Trung Quốc được ngòi bút Phạm Vân Anh phản ánh chân thực và sinh động tới tầng bản chất. Đó là những Biên Cương, Trần Bình, Long Xuyên, Lê Ban, Văn Giang, Văn Hai, Lê Giang… của Quân đội nhân dân Việt Nam; là Đường Minh, Liêu Ninh, Thông Pháy, Sần Dừn, Voòng Tắc Lềnh… của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc. Tình nghĩa giữa họ là quyết định hy sinh thân mình cho một bộ đội Việt Nam (Lý Ban) đang bị thương của đồng chí Sần Dừn, lấy thân mình làm mục tiêu hút những làn đạn của quân thù; là sự sẻ chia từng nắm cơm, đôi giày rơm, viên thuốc, tấm khăn quàng… Ngày chiến thắng chia tay, bộ đội Việt Nam vẫn mặc áo cũ, Chính trị viên Long Xuyên đã giải thích với khu ủy viên Thông Pháy của bạn: “Không hẳn là chiếc áo quê hương… Trên áo còn có những mũi khâu, mụn vá của nhân dân biên khu Việt Quế. Còn máu của đồng đội, của Giải phóng quân Trung Quốc vẫn bám trên sợi vải…”. Đó là biểu tượng liên văn hóa về tình hữu nghị anh em trọn vẹn.
Khép lại về bố cục là hình ảnh chiến sĩ quân đội hai nước hội ngộ sau 60 năm, cùng mở ra một tương lai, hy vọng đẹp về tình đoàn kết, hữu nghị sẽ mãi mãi bền chặt, vững vàng như dãy Thập Vạn Đại Sơn trùng điệp.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/sach/them-goc-nhin-ve-tinh-doan-ket-viet-trung-755346
Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/630729-them-goc-nhin-ve-tinh-doan-ket-viet-trung.html