Thêm Hàn Quốc, 'Bộ tứ' như hổ mọc thêm cánh?
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Llyod Austin ngày 16-3 bàn thảo với người đồng cấp Nhật Bản về tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông. Cuộc gặp diễn ra không lâu sau thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ.
Trong chương trình nghị sự ngày 16-3 ở Tokyo (Nhật Bản), các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ - Nhật thảo luận về nỗi lo chung trước tham vọng lãnh thổ ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông. Chuyến công du này nhằm củng cố khối liên minh châu Á đối phó Trung Quốc, tái khẳng định cam kết của Mỹ với liên minh này và làm cho liên minh trở nên mạnh mẽ hơn.
Trong bài phát biểu khai mạc phiên họp riêng với người đồng cấp Nhật Bản, ông Blinken cho biết "không phải ngẫu nhiên mà chúng tôi chọn Nhật Bản cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên cấp nội các" của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Bộ trưởng Austin đến Nhật Bản "để tái khẳng định cam kết của chúng tôi với liên minh và xây dựng liên minh đó". Ngoại trưởng Blinken cho biết Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh để đạt được "tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở".
Trong tuyên bố chung, Mỹ và Nhật Bản thừa nhận rằng những hành vi của Trung Quốc, vốn không phù hợp với trật tự quốc tế hiện có, đặt ra những thách thức chính trị, kinh tế, quân sự và công nghệ. Các bộ trưởng cam kết phản đối hành vi ép buộc và gây bất ổn đối với những quốc gia khác trong khu vực.
Hai bộ trưởng Mỹ sẽ đến Seoul vào ngày 17-3. Trước cuộc gặp Mỹ - Hàn, tờ Korea Herald đăng bài xã luận cho rằng sự do dự của chính phủ Hàn Quốc trong việc tham gia "Bộ tứ" (nhóm Quad) sẽ chỉ phương hại đến vị thế toàn cầu của nước này.
Giữa những bước đi kiên định của Mỹ nhằm xây dựng mạng lưới đồng minh và đối tác đối phó Trung Quốc, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày càng khó duy trì lập trường không rõ ràng giữa Washington và Bắc Kinh.
Chính phủ Hàn Quốc gần đây đã bày tỏ sự sẵn sàng của mình trong việc cải thiện mối quan hệ rạn nứt với Nhật Bản, mặc dù nước này có vẻ thận trọng hơn về việc có nên cho phép Mỹ triển khai các tên lửa tiên tiến nhắm vào Trung Quốc ở đây hay không.
Theo Korea Herald, các nước thuộc nhóm Quad hiện tại tập trung vào chiến lược tìm kiếm các lĩnh vực chung để kiềm chế Bắc Kinh mà không hình thành một mặt trận chống Trung Quốc công khai.
Cách đây không lâu, ngày 12-3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc hội đàm trực tuyến vào ngày 12-3 với những người đồng cấp của "Bộ tứ", gồm Úc, Ấn Độ và Nhật Bản. Cuộc họp cấp cao nhất của các nước trong nhóm Quad đã thể hiện ý chí của chính quyền Tổng thống Biden trong việc phối hợp chặt chẽ với các đồng minh, đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để chống lại một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Trước đó, "Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời" được Tổng thống Biden công bố ngày 3-3, chỉ trích chính quyền Trung Quốc thường có "hành vi hung hăng và cưỡng bức" nhưng Mỹ sẽ tự định vị về ngoại giao và quân sự để bảo vệ các đồng minh của mình.
Trong bài phát biểu được đưa ra cùng thời điểm Mỹ công bố "Chỉ dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời", Ngoại trưởng Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc ở bất cứ nơi nào cần thiết và gọi mối quan hệ với Bắc Kinh là "thử thách địa chính trị lớn nhất" trong thế kỷ này.