Thêm hơn 411.000 ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 411.372 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 43.770.537. Trong đó có 1.164.236 ca tử vong.

Theo trang thống kê worldometers, tính tới 8h30 sáng nay, 27/10, số trường hợp được điều trị khỏi bệnh là 32.173.314 người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với 231.045 trường hợp tử vong trong tổng số 8.962.783 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 119.535 ca tử vong trên 7.945.888 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 157.451 ca tử vong trong số 5.411.550 bệnh nhân.

Diễn biến phức tạp tại châu Âu

Số ca mắc mới COVID-19 trong ngày tại Nga đã tăng lên mức cao chưa từng thấy với 17.347 ca ngày 26/10, trong đó 5.224 ca tại thủ đô Moscow, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 1.531.224 ca. Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga), ông Vyacheslav Volodin cho biết, 91 nghị sĩ Duma Quốc gia đã hoặc đang nhiễm COVID-19, 38 người trong số này đang phải nằm viện, 1 người đang được chăm sóc đặc biệt và 1 nghị sĩ đã tử vong.

Tại Pháp, Giáo sư Jean-Francois Delfraissy, người đứng đầu Hội đồng khoa học cố vấn cho Chính phủ Pháp về đại dịch COVID-19, cho biết nước này khả năng có 100.000 ca mắc mới mỗi ngày – tăng gấp đôi so với con số thống kê chính thức. Hôm 25/10, Bộ Y tế Pháp công bố 52.010 ca mắc mới trong 24 giờ, đây là lần đầu tiên quốc gia châu Âu này ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày vượt quá 50.000 người. Pháp đã vượt 2 nước Argentina và Tây Ban Nha, trở thành nước có số ca mắc nhiều thứ 5 trên thế giới. Tính tới 8h30 sáng 27/10, tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này là 1.165.278.

Liên minh châu Âu (EU) đã thu hẹp quy mô các hội nghị quan chức cấp cao và chuyên gia, thay vào đó ưu tiên tổ chức các cuộc họp trực tuyến do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang gia tăng mạnh tại Brussels (Bỉ) trong những ngày qua.

Theo số liệu công bố trên trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến ngày 19/10, đã có 198 vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 đang được phát triển trên toàn thế giới và 44 vaccine trong số đó đang được thử nghiệm lâm sàng.

Hiện thủ đô của Bỉ, cũng là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức chính của EU, đang là một trong những điểm nóng có tỉ lệ mắc COVID-19 cao nhất thế giới, khi làn sóng dịch bệnh thứ hai đang bùng phát trên khắp châu Âu. Trong tháng này, Hội nghị thượng đỉnh EU đã bị gián đoạn khi có tới 3 nhà lãnh đạo phải tự cách ly sau khi tiếp xúc với một người nhiễm virus và 2 ngoại trưởng cùng một thủ tướng có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Hiện phần lớn công việc hằng ngày tại Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu đều được điều hành trực tuyến, trong khi Nghị viện châu Âu cũng phải hủy một phiên họp toàn thể ở Strasbourg (Pháp).

Tình hình dịch bệnh tại Cộng hòa Czech đang xấu đi bất chấp các biện pháp đã được đưa ra. Chính phủ Cxech quyết định áp dụng nghiêm ngặt hơn biện pháp chống dịch. Theo đó, giờ giới nghiêm ban đêm từ 21h hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Quyết định có hiệu lực từ ngày 28/10-3/11. Chính phủ Czech sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường vào 27/10 để yêu cầu Hạ viện phê chuẩn việc kéo dài tình trạng khẩn cấp đến tháng 12/2020. Đến nay, Czech ghi nhận tổng cộng 268.370 ca mắc, trong đó 2.365 ca tử vong.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cũng thông báo sẽ áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn để chống sự lây lan virus SARS-CoV-2, trong đó có có các quy định khắt khe hơn về tụ tập riêng tư, sau khi số ca nhiễm gia tăng gần đây. Chính phủ Na Uy cũng cho biết họ sẽ chấm dứt những ngoại lệ đối với các quy định cách ly mà người lao động nước ngoài tới làm việc tại nước này được hưởng cho đến nay. Theo bà Solberg, từ ngày 31/10 tới, tất cả người lao động nước ngoài tới quốc gia Bắc Âu này phải cách ly trong 10 ngày. Đến nay, Na Uy ghi nhận tổng cộng 18.342 ca mắc COVID-19, trong đó có 279 trường hợp tử vong.

Tại Đức, đại hội bầu lãnh đạo mới của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) với sự tham gia của hơn 1000 đại biểu dự kiến vào ngày 4/12 tại thành phố Stuttgart sẽ hoãn lại do tình hình dịch bệnh COVID-19. Nếu tình hình đại dịch không cho phép tổ chức đại hội, việc bầu cử Ban chấp hành mới và Chủ tịch đảng CDU có thể sẽ diễn ra bằng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện vào tháng 1/2021.

Theo số liệu thống kê của Viện Dịch tễ Robert Koch, trong buổi sáng 26/10, cơ quan y tế ghi nhận thêm 8.685 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 437.866 người, khoảng 321.600 người đã hồi phục và hơn 10.000 người đã tử vong.

Hungary đã ghi nhận 3.149 ca mắc COVID-19 trong ngày 25/10 - cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Số liệu thống kê chính thức của Chính phủ Hungary cho thấy nước này có tổng cộng 59.247 người mắc COVID-19, trong đó 16.242 ca đã bình phục và 1.425 ca không qua khỏi. Hiện nước này có 2.449 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 221 bệnh nhân phải thở máy.

Các ca mắc COVID-19 tại Hungary đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 8 vừa qua và tăng gấp 5 lần trong thời gian từ ngày 10/9 đến 21/10 vừa qua (từ mức 10.000 bệnh nhân lên tới 50.000 bệnh nhân). Thủ tướng Viktor Orban cho biết chính phủ nước này đang thương lượng với Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga, để mua vaccine phòng bệnh COVID-19 cung cấp cho toàn bộ người dân.

Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới về COVID-19

Tối 25/10 theo giờ Berlin, Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới lần thứ 12 đã chính thức khai mạc với chủ đề trọng tâm là đại dịch COVID-19. Do tình hình dịch bệnh, hội nghị vốn được tổ chức vào tháng 10 hằng năm tại Berlin trong năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, đại dịch COVID-19 hiện là cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử hiện đại. Ông kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, trong đó các nước công nghiệp phát triển phải hỗ trợ hệ thống y tế cho các nước nghèo hơn, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cùng hợp tác để vượt qua đại dịch.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh hợp tác là cách duy nhất để cộng đồng thế giới thoát khỏi bệnh dịch hiện nay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng nhấn mạnh, cuộc chiến chống COVID-19 có thể là hình mẫu cho việc hợp tác y tế toàn cầu, đòi hỏi một vai trò lãnh đạo rõ ràng và Liên minh châu Âu (EU) có thể đảm nhận trách nhiệm này.

Dự kiến, trong 3 ngày diễn ra hội nghị, khoảng 300 đại biểu là các chính trị gia và nhà khoa học sẽ thảo luận trực tuyến về các biện pháp nhằm đưa thế giới thoát khỏi đại dịch. Ban đầu, hội nghị dự kiến diễn ra ở Berlin với sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu.

Hội nghị Thượng đỉnh y tế thế giới là một trong những hội nghị quan trọng mang tính chiến lược của thế giới đối với sức khỏe toàn cầu, tập hợp các nhà khoa học, chính trị gia hàng đầu thế giới.

An Bình (tổng hợp)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/them-hon-411000-ca-mac-moi-covid19-tren-toan-cau/412042.vgp