Thêm hy vọng xác định danh tính cho liệt sĩ
Việc thu thập, cập nhật thông tin, lấy mẫu cho thân nhân liệt sĩ chưa xác định danh tính mở ra hy vọng cho hàng chục nghìn gia đình. Lực lượng công an đang phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nội dung này.
Đau đáu mong tìm lại
Hơn 10 năm qua, ông Thân Văn Hoạt (SN 1949) ở thôn Giá, xã Nội Hoàng (Yên Dũng) đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người với hy vọng sớm đưa được anh trai là liệt sĩ Thân Văn Trọng trở về quê mẹ. Liệt sĩ Trọng (SN 1936) nhập ngũ tháng 9/1965, hy sinh ngày 2/5/1968. Qua lời kể từ những người đồng đội của anh mình, ông Hoạt chỉ biết rằng liệt sĩ Trọng cùng nhiều người khác đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt tại tỉnh Quảng Trị.
Ông Hoạt chia sẻ: “Năm nay, tôi đã gần 80 tuổi, sức khỏe ngày một yếu nên mong mỏi lớn nhất của tôi và gia đình là sớm tìm thấy hài cốt, xác định danh tính cho anh. Bởi vậy, ngay khi nghe tin tỉnh triển khai kế hoạch thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin thân nhân gia đình liệt sĩ phục vụ công tác triển khai thu thập ADN của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được danh tính, tôi đã nhanh chóng đến Công an xã đề xuất được sớm lấy mẫu”.
Ở xã Thái Đào (Lạng Giang), địa phương có 105 liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến, trong đó có 52 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt mà người thân, gia đình đang mong ngóng từng ngày. Từ ngày 1/9 đến nay, lực lượng Công an xã và cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã đã thảo luận, thống nhất phương thức tiến hành thu thập thông tin, lập danh sách thân nhân liệt sĩ trên địa bàn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Ngân, Trưởng Công an xã cho biết: “Dựa vào danh sách các liệt sĩ đã lập, xã đã bố trí lịch làm việc, mời thân nhân đến để hướng dẫn, hỗ trợ thu thập thông tin theo mẫu. Đồng thời cập nhật, làm sạch dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mọi việc được thực hiện chính xác, gấp rút bảo đảm hoàn thành trước ngày 25/9 tới”.
Đồng bộ thông tin, cập nhật vào hệ thống
Toàn tỉnh có khoảng 21 nghìn liệt sĩ đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trong đó còn 11 nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Bà Nguyễn Thị Hòa, Trưởng Phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: “Việc thực hiện Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 14/8/2024 của UBND tỉnh về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin thân nhân gia đình liệt sĩ phục vụ công tác triển khai thu thập ADN của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được danh tính trên địa bàn tỉnh mở ra cơ hội, hy vọng cho các gia đình người có công. Qua đó nhằm quán triệt về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách tìm kiếm, xác định liệt sĩ chưa xác định danh tính để tri ân các anh hùng liệt sĩ”.
Việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin liệt sĩ và thân nhân của liệt sĩ làm cơ sở quản lý thông tin liên quan đến liệt sĩ và thân nhân hưởng trợ cấp; làm giàu hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời tổng hợp, đồng bộ cơ sở dữ liệu về người hưởng trợ cấp của liệt sĩ, phục vụ công tác triển khai thu thập ADN của thân nhân các liệt sĩ chưa xác định được danh tính để đối chiếu với ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ chưa xác định được thông tin.
Để việc thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin liệt sĩ và thân nhân đầy đủ, chính xác, bảo đảm thời gian, Sở chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, TP phối hợp với lực lượng công an cùng cấp tham mưu UBND cấp huyện triển khai. Chủ trì, phối hợp với công an cấp huyện và UBND cấp xã rà soát, bổ sung, điều chỉnh thông tin liệt sĩ gắn với thông tin người đang hưởng trợ cấp của liệt sĩ trên địa bàn.
Thống kê lập danh sách theo mẫu về các liệt sĩ đã xác định được thông tin phần mộ và người hưởng trợ cấp của liệt sĩ, liệt sĩ chưa xác định được thông tin phần mộ và thân nhân gia đình liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Cùng đó rà soát, cập nhật, làm sạch thông tin thân nhân gia đình liệt sĩ, tạo lập kho dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và trong quá trình triển khai thu mẫu, vận chuyển mẫu; thu thập thông tin người hưởng trợ cấp liệt sĩ (tối thiểu 2 người) là thân nhân liệt sĩ chưa xác định được danh tính theo họ ngoại với thứ tự ưu tiên gần kề để thu thập mẫu ADN.
Cụ thể lần lượt là mẹ đẻ liệt sĩ; bà ngoại ruột của liệt sĩ; anh chị em cùng mẹ đẻ với liệt sĩ; bác, cậu, dì là anh chị em ruột của mẹ liệt sĩ (cùng mẹ đẻ)... Phối hợp với các đơn vị có liên quan và UBND cấp xã rà soát hiện trạng hài cốt liệt sĩ bao gồm: Các trường hợp được quy tập, các trường hợp đang quy tập, các trường hợp chưa được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ; các trường hợp đã được quy tập đưa vào nghĩa trang gia đình.
Bài, ảnh: Tuyết Mai
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/them-hy-vong-xac-dinh-danh-tinh-cho-liet-si-084820.bbg