Thêm Joao Pedro, Chelsea lại 'chất đống' hàng công
Chelsea chưa bao giờ ngừng gây tranh cãi trong những kỳ chuyển nhượng dưới triều đại chủ sở hữu mới.

Chelsea giờ có rất đông tiền đạo
Thế nhưng, thương vụ Joao Pedro - tiền đạo thứ 18 được mang về chỉ trong hơn ba năm - một lần nữa khiến giới mộ điệu phải đặt câu hỏi: Chelsea thực sự đang xây dựng điều gì?
60 triệu bảng là con số không nhỏ, đặc biệt dành cho một cầu thủ chưa từng ghi quá 11 bàn ở Premier League trong một mùa giải. Tuy nhiên, Joao Pedro không phải trường hợp cá biệt. Anh là mắt xích mới nhất trong guồng máy mua sắm rối ren của Chelsea - nơi sự hiện diện của cầu thủ trẻ, hợp đồng dài hạn và giá chuyển nhượng cao gần như đã trở thành công thức bất di bất dịch.
Một bản hợp đồng “kiểu Chelsea”
Joao Pedro, 23 tuổi, đến từ Brighton sau khi ghi 30 bàn trong 70 trận kể từ năm 2023. Anh từng là bản hợp đồng kỷ lục của “Chim mòng biển” khi đến từ Watford với giá gần 30 triệu bảng. Chỉ sau hai năm, số tiền đó đã nhân đôi - cho thấy sự phát triển không nhỏ của cầu thủ này, nhưng đồng thời cũng phản ánh chiến lược chuyển nhượng liều lĩnh của Chelsea.
Không có gì ngạc nhiên khi Pedro ký hợp đồng 8 năm - thời hạn vốn là “đặc sản” của Chelsea thời hậu Roman Abramovich. Tuy nhiên, kể từ khi Premier League đóng lại lỗ hổng tài chính cho phép khấu hao chi phí chuyển nhượng theo thời hạn hợp đồng, chiến lược này đã trở nên kém hiệu quả hơn. Chelsea giờ đây không còn có thể “phân tán” rủi ro như trước.
Chelsea hiện sở hữu ít nhất 8 cầu thủ tấn công có khả năng đá chính: Cole Palmer, Nicolas Jackson, Christopher Nkunku, Pedro Neto, Noni Madueke, Marc Guiu, Tyrique George và Liam Delap. Còn chưa kể Estevao Willian - “thần đồng Brazil” chuẩn bị cập bến sau Club World Cup - và Jamie Gittens, cầu thủ chạy cánh 20 tuổi mà Chelsea đạt thỏa thuận mua từ Dortmund với giá 55 triệu bảng.
Giữa cơn bão nhân sự ấy, Joao Pedro xuất hiện để làm gì? Theo giới thạo tin, anh được quy hoạch cho vị trí số 9 hoặc số 10 - thay thế Nkunku, người nhiều khả năng rời Stamford Bridge.

Joao Pedro sắp gia nhập Chelsea.
Pedro có khả năng lùi sâu, phối hợp, giữ bóng và hỗ trợ các mũi công khác, điều mà Nicolas Jackson - mẫu trung phong truyền thống - vẫn còn thiếu. Đồng thời, Pedro không phải mẫu cầu thủ “chạy cánh thuần”, nên anh mang lại phương án tấn công trung lộ - điều mà Chelsea đôi khi thiếu trước các đối thủ chơi lùi sâu.
HLV Edu Rubio - từng làm việc tại West Ham, Palace và Wolves - đánh giá cao Pedro: “Cậu ấy có tố chất làm bóng, thể lực tốt, chơi không bóng thông minh và phù hợp với triết lý của HLV Enzo Maresca. Dù chưa từng ghi nhiều bàn, Pedro có tiềm năng để trở thành nhân tố khác biệt nếu được đặt đúng vị trí”.
Chiến lược hay chắp vá?
Về lý thuyết, Chelsea không chỉ mua vì nhu cầu chuyên môn, mà còn phục vụ chiến lược kinh doanh: mua cầu thủ trẻ, giá trị bán lại cao, lương thấp, ký hợp đồng dài để tránh “mất trắng”. Tuy nhiên, thực tế sân cỏ đang đặt dấu hỏi lớn cho kế hoạch này.
Chelsea chi 1,32 tỷ bảng sau 7 kỳ chuyển nhượng, trong đó 560 triệu bảng dành cho các tiền đạo. Tính cả thương vụ Gittens sắp tới, con số sẽ vượt 1,5 tỷ bảng. Dù vậy, hiệu quả chưa tỷ lệ thuận: nhiều tân binh như Madueke, Mudryk, Jackson hay Nkunku đều có màn trình diễn thất thường, chưa đáp ứng kỳ vọng.
Dưới thời HLV Maresca, đội hình đang dần định hình hơn, nhưng sự xáo trộn liên tục về nhân sự vẫn gây lo ngại. Trong khi Cole Palmer là “bất khả xâm phạm”, các cái tên như Jackson, Madueke hay thậm chí cả Guiu và George đều không có vị trí chắc chắn. Những cầu thủ như Joao Felix, Sterling, Broja - từng được kỳ vọng - nay đều bị rao bán hoặc đẩy khỏi kế hoạch.

Chelsea đang "thay máu" đội hình.
Không thể phủ nhận Chelsea đang “thay máu” để phù hợp với triết lý mới, đặc biệt khi họ trở lại Champions League. Nhưng việc sở hữu quá nhiều cầu thủ tấn công cùng lúc khiến CLB dễ rơi vào tình trạng lãng phí, rối loạn phòng thay đồ và làm mất tính liên kết của đội hình.
Chelsea tìm ra nhiều cách để vượt qua các giới hạn tài chính của Premier League. Gần đây nhất là thương vụ “bán” đội nữ cho công ty mẹ BlueCo với giá gần 200 triệu bảng - giúp họ đưa toàn bộ hệ sinh thái bóng đá về cùng một sổ sách tài chính và tạo “room” chi tiêu hợp lệ. Thêm vào đó, việc được dự Champions League và Club World Cup mùa này cũng đem lại khoản doanh thu không nhỏ.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là những giải pháp ngắn hạn. Nếu thành tích trên sân tiếp tục không ổn định, giá trị cầu thủ không tăng, thì kế hoạch “mua rẻ - bán đắt” của Chelsea sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Đặc biệt trong bối cảnh các CLB khác cũng đang học theo mô hình này, thị trường cầu thủ trẻ đang bị đẩy giá và cạnh tranh gay gắt.
Joao Pedro không phải một bản hợp đồng vô lý. Anh có kinh nghiệm Premier League, độ tuổi lý tưởng, kỹ năng phù hợp với hệ thống của Maresca. Nhưng đặt trong bối cảnh đội hình Chelsea hiện tại, anh là một trong rất nhiều mảnh ghép đang chen chúc trong một bức tranh vẫn chưa hoàn thiện.
Chelsea cần nhiều hơn một kế hoạch mua sắm thông minh - họ cần sự ổn định, định hướng dài hạn và một bộ khung rõ ràng. Còn không, dù có thêm bao nhiêu Pedro nữa, thì bài toán tấn công tại Stamford Bridge vẫn sẽ mãi rối như mớ bòng bong.
Nguồn Znews: https://znews.vn/them-joao-pedro-chelsea-lai-chat-dong-hang-cong-post1565649.html