Thêm kiến thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức lớp học xóa mù chữ cho hội viên, phụ nữ, giúp chị em thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các kiến thức, mạnh dạn trong giao tiếp và tích cực tham gia hoạt động cộng đồng.

Lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ bản Pa Khôm, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu.

Lớp xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ bản Pa Khôm, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu.

Thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông”; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo về nâng cao chất lượng giáo dục và công tác xóa mù chữ giai đoạn 2020-2025, Hội LHPN các huyện đã tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia học xóa mù chữ tại các bản. Các cơ sở hội còn thực hiện mô hình xóa mù chữ với hình thức học theo cặp, nhóm, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, bạn bè dạy nhau, tạo phong trào thi đua học tập.

Tại huyện Sốp Cộp, qua rà soát, có 2.446 người từ 15-60 tuổi mù chữ và tái mù chữ. Thực hiện chương trình phối hợp triển khai công tác xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho phụ nữ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội LHPN huyện, các đồn biên phòng đã đến tận hộ gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân đi học chữ. Chỉ đạo ban giám hiệu các trường tiểu học phân công cán bộ, giáo viên giảng dạy cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi. Đồng thời, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên tham gia giảng dạy; hỗ trợ học viên và những người tham gia dạy xóa mù chữ; cung cấp tài liệu, hướng dẫn chương trình xóa mù chữ, giáo dục sau khi biết chữ cho các đối tượng.

Bà Lò Thị Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Sốp Cộp, cho biết: Năm 2023, huyện đã tổ chức 12 lớp xóa mù chữ tại các xã Mường Lạn, Mường Lèo, Mường Và, với 280 học viên; trong đó trên 80% là học viên nữ. Phòng thường xuyên kiểm tra việc giảng dạy của những đơn vị có lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau biết chữ. Chỉ đạo ra đề kiểm tra học viên về kỹ năng đọc, viết, làm toán. Nếu đạt, học viên được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Đến thăm các lớp học xóa mù chữ của đồng bào dân tộc Mông bản Ôn Ốc và Pa Khôm, do các thầy giáo Trường PTDT bán trú tiểu học - THCS xã Mường Lựm, huyện Yên Châu đứng lớp. Các lớp học vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần; đa số học viên là hội viên phụ nữ từ 15-60 tuổi. Giáo viên sử dụng song song tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số; dùng cách ghép âm đánh vần đơn giản để bà con dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ.

Chị Hạng Thị Cợ, bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm, tâm sự: Không biết chữ còn khổ hơn thiếu ăn, thiếu mặc. Trước đây, mỗi lần tôi xuống chợ bán hàng, phải đưa con đi theo để tính tiền; lên xã làm giấy tờ thì không hiểu gì, xuống huyện lạc đường do không đọc được chữ, lên nhầm xe. Tham gia học lớp xóa mù chữ, bây giờ đi đâu cũng mạnh dạn, biết tính tiền rồi, tôi vui lắm.

Năm 2023, Hội LHPN các huyện phối hợp với ngành giáo dục, các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn tổ chức 38 lớp xóa mù chữ, 1.251 chị em phụ nữ tham gia học tập tại các bản. Bà Bùi Thanh Thủy, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông tin: Xóa mù chữ cho phụ nữ luôn được các cấp hội quan tâm và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những khó khăn cho hội viên. Nhiều chị em tự nguyện theo học các lớp xóa mù chữ, hiểu về lợi ích của việc biết chữ, từ đó tự tin tham gia các tổ, hội, nhóm của phụ nữ. Qua đó, góp phần tích cực vào sự phát triển của xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Việc tổ chức xóa mù chữ cho hội viên phụ nữ là chương trình xã hội nhiều ý nghĩa đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, góp phần nâng cao đời sống cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: Thu Thảo

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/van-hoa-xa-hoi/them-kien-thuc-cho-phu-nu-dan-toc-thieu-so-ac9q6uTSg.html