Thêm kỹ năng chăm sóc tốt sức khỏe bộ đội ngay tại cơ sở
Điểm nhấn tại Hội thi Đội phẫu thuật cấp cứu ban đầu (ĐPTCCBĐ) các trung đoàn bộ binh (bộ binh cơ giới) đủ quân toàn quân khu vực phía Nam năm 2019 là đổi mới nội dung, hình thức thi sát thực tiễn. Qua đó, cán bộ, nhân viên quân y được trải nghiệm, có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, sáng kiến vận dụng tốt vào chăm sóc sức khỏe bộ đội tại cơ sở.
Trải nghiệm từ hội thi
Buổi chiều tại tỉnh Tây Ninh, mặc trời đổ mưa lớn, cán bộ, nhân viên quân y các đơn vị vẫn thực hành những nội dung của hội thi. Tại phần thi “Thực hành cơ động triển khai ĐPTCCBĐ có thu dung thương binh”, ĐPTCCBĐ Trung đoàn 271 (Sư đoàn 5, Quân khu 7) nhanh chóng phối hợp hiệp đồng thực hiện đúng kỹ thuật các nội dung phần thi từ khâu dựng lều phân loại hộ tống, điều trị, xây dựng công sự chiến đấu liên hoàn đến tổ chức tốt việc tiếp nhận, phân loại, điều trị thương binh.
Phần thi cứu chữa thương binh hỏa tuyến cũng diễn ra hết sức căng thẳng. Hoàn thành phần thi, áo quần lấm lem bùn đất, Hạ sĩ Phạm Văn Giàu, ĐPTCCBĐ Trung đoàn 3 (Sư đoàn 9, Quân đoàn 4) nói: "Tôi phải cơ động vượt qua bãi vật cản dài hơn 100m để cứu chữa thương binh trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Phần thi vất vả đòi hỏi thí sinh vừa phải có sức khỏe, vừa kết hợp nhuần nhuyễn kỹ năng nghiệp vụ ngành y với kỹ, chiến thuật chiến đấu cá nhân mới xử trí được tình huống cứu chữa ban đầu cho thương binh. Qua hội thi, tôi có thêm nhiều trải nghiệm bổ ích về tinh thần khắc phục khó khăn và vận dụng kỹ năng cứu chữa thương binh trong tình huống chiến đấu, đồng thời học thêm nhiều tấm gương sáng của chiến sĩ quân y các đơn vị trong rèn luyện, công tác. Hội thi giúp tôi có thêm kiến thức và tự tin làm tốt hơn việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bộ đội ở đơn vị trong thời gian tới".
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Thắng, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, cho biết: “Thực tiễn chiến đấu, khoa học phát triển nhanh đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ quân y phải không ngừng học tập, rèn luyện. Vì vậy, nhằm rèn luyện toàn diện, đánh giá thực chất ĐPTCCBĐ các trung đoàn, hội thi lần này có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp thi sát thực tiễn”. Theo đó, nội dung hội thi toàn diện, song đi sâu vào việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, yêu cầu cứu chữa thương binh ban đầu trong chiến đấu, chăm sóc sức khỏe bộ đội tại đơn vị hiện nay và một số tính dự báo, phòng, chống dịch bệnh trong tương lai. Hình thức thi kết hợp lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính, xử trí tình huống. Quá trình chấm thi, ban giám khảo không chỉ chấm về kỹ năng nghiệp vụ ngành y và thể lực thí sinh mà còn chú ý chấm cả tinh thần đoàn kết, phối hợp hiệp đồng, thái độ, trách nhiệm, tận tâm trong cứu chữa thương binh, bảo đảm khách quan, chính xác, công bằng, kịp thời khắc phục hạn chế, phát hiện, nhân rộng cách làm hay, vận dụng tốt vào thực tiễn. Các đội thi đều hoàn thành tốt nội dung, yêu cầu hội thi đặt ra. Thông qua hội thi, ngành quân y rút ra nội dung, biện pháp trong tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên quân y cũng như công tác bảo đảm dụng cụ y tế cho các ĐPTCCBĐ trung đoàn sát thực tiễn thời gian tới.
Nhiều sáng kiến sát thực, hiệu quả
Một trong những điểm ấn tượng tại hội thi năm nay là đã có 70 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng, trong đó nhiều sáng kiến có giá trị, tính ứng dụng thực tiễn cao. Điển hình như sáng kiến “Cáng thương vận chuyển thương binh ở địa hình sông nước” của Trung úy Đoàn Công Thắng, ĐPTCCBĐ Trung đoàn 9, Sư đoàn 8 (Quân khu 9), cấu tạo gồm: Khung nhôm nhẹ (dài 220cm, rộng 50cm), có khớp nối gập, gấp gọn và phần vỏ làm bằng vải bạt, có lõi bên trong chống nước; giá thành 600.000 đồng/chiếc. Sáng kiến là biện pháp hiệu quả trong vận chuyển thương binh tại địa bàn sông nước ở Đồng bằng sông Cửu Long. Trung úy QNCN Nguyễn Thế Huy, ĐPTCCBĐ Trung đoàn Gia Định (Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh) giới thiệu sáng kiến “Túi đựng nước dã ngoại”, cấu tạo gồm: Túi bằng vải bạt (vải chống thấm nước, có độ dẻo, bền) và bộ khung sắt tròn, gấp gọn thuận lợi cơ động, làm nhiệm vụ ở mọi địa hình, thời tiết. Túi trữ được hơn 1m3 nước, bảo đảm cho ĐPTCCBĐ trung đoàn sử dụng từ 2 đến 2,5 ngày. Hoặc sáng kiến ứng dụng “Kỹ thuật công nghệ băng bó cố định nhanh xương gãy” của Trung úy, bác sĩ Lê Thanh Tùng, ĐPTCCBĐ Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5…
Theo đánh giá của ban giám khảo, các sáng kiến đều xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của ĐPTCCBĐ các trung đoàn và được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quan tâm, tạo điều kiện mọi mặt. Các sáng kiến đều có tính mới, nguyên lý hoạt động khoa học, kết hợp tốt kinh nghiệm y học cổ truyền dân tộc, truyền thống ngành y quân đội với ứng dụng công nghệ hiện đại, cấu tạo gọn, thao tác thuận tiện, dễ sử dụng, thân thiện môi trường, tiết kiệm nhân công, kinh phí, đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc sức khỏe bộ đội của ĐPTCCBĐ các trung đoàn.