Thêm lời cảnh báo lối hành xử vô pháp
Công an huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) vừa khởi tố Đồng Khắc Mạnh Cường (sinh năm 1987, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội).
Cường là đối tượng đã lái xe khách chèn ép một xe tải trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, buộc xe tải phải đi vào làn dừng khẩn cấp.
Sau đó, Cường lái ô tô khách vượt lên tạt đầu xe tải, không cho xe này đi trước. Trước đó, Cường và anh Hải không quen biết nhau, không có mâu thuẫn gì.
Clip về vụ việc được camera hành trình của một xe phía sau ghi lại, khi đăng tải trên mạng xã hội đã gây bức xúc cho dư luận. Nhiều người cho rằng, việc tai nạn không xảy ra là điều rất may mắn.
Cách đây vài ngày, Trạm CSGT Diễn Châu (Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An) cũng đã mời 2 tài xế vụ xe khách chèn xe phía sau trên quốc lộ 1 lên làm việc. Hiện, cơ quan công an vẫn đang củng cố hồ sơ, nếu đủ dấu hiệu sẽ khởi tố.
Trước đó, đoạn clip lan truyền trên mạng ghi lại cảnh 2 xe khách chèn ép nhau rất nguy hiểm trên quốc lộ 1, đoạn qua xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Cũng như vụ ở Vĩnh Phúc, tai nạn không xảy ra là điều may mắn, bởi thời điểm đó có rất nhiều phương tiện lưu thông trên đường.
Trước đây, những vụ việc như vậy phần lớn chỉ bị xử lý hành chính nhưng thời gian qua đã được xử lý nghiêm khắc, tạo được sự răn đe nhất định. Riêng tại TP.HCM, 9 tháng đầu năm cơ quan chức năng đã khởi tố 51 vụ án và 40 bị can liên quan đến an toàn giao thông, trong đó có không ít những vụ chèn ép xe trên đường như kể trên.
Điều đó cho thấy, bên cạnh việc nâng cao tuyên truyền thì việc xử nghiêm để làm gương có tác dụng rất lớn. Chỉ có như vậy mới ngăn được những vụ tai nạn đáng tiếc, những cái chết thương tâm, không đáng xảy ra.
Kinh tế ngày càng phát triển, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Vì thế, số lượng người sở hữu ô tô cũng vì thế ngày càng tăng. Tuy nhiên, trái ngược với sự gia tăng về số lượng phương tiện, ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân lại rất kém.
Trên báo chí, các diễn đàn mạng xã hội, hầu như ngày nào cũng bắt gặp nhan nhản các hình ảnh phản cảm, chướng tai gai mắt liên quan đến việc đi lại trên đường. Đó có thể là hành vi chèn ép xe như đã đề cập, có thể là hành vi chạy ngược chiều trên cao tốc, hay cố tình vượt đèn đỏ gây tai nạn, không ai nhường ai trong một tình huống giao thông hết sức bình thường…
Để rồi khi xảy ra va chạm, nhẹ thì cãi cọ, chửi bới, nặng thì thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, hơn nữa còn gây án mạng.
Thậm chí như vụ đoàn quái xế phóng nhanh, lạng lách trên phố rồi tông chết cô gái trẻ chờ dừng đèn đỏ ở Hà Nội vừa qua, đó không phải là sự vô pháp thì là gì?
Vì vậy, có thể nói, hai vụ việc ở Vĩnh Phúc và Bình Dương được cơ quan chức năng xử lý nghiêm như trên được xem như thêm một lời cảnh báo đối với lối hành xử bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng của người khác khi lưu thông trên đường.
Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, không ai có quyền hành xử trái pháp luật, đứng trên pháp luật. Tất cả đều sẽ phải trả giá.