Thêm lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt khi xuất khẩu sang Hà Lan

Theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định EVFTA, khi xuất khẩu sang Hà Lan, hàng Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế cạnh tranh nhiều hơn so với sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác.

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), khi xuất khẩu sang Hà Lan, hàng Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế cạnh tranh nhiều hơn so với sản phẩm cùng loại đến từ các nước khác.

Lafooco đang dần định vị thương hiệu tại nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu. Ảnh: TTXVN

Lafooco đang dần định vị thương hiệu tại nhiều thị trường xuất khẩu như Mỹ, châu Âu. Ảnh: TTXVN

Bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan thông tin, Hà Lan đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất, đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Hà Lan ở khu vực châu Á và nằm trong nhóm 20 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Hà Lan.

Đáng lưu ý, kể từ khi có hiệu lực, Hiệp định EVFTA đã mang đến nhiều cơ hội mới cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Đặc biệt, Hà Lan đã được coi là cửa ngõ để vào thị trường Liên minh châu Âu (EU), nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu châu Âu và thế giới với các mặt hàng rau, củ, quả.

“EU là một thị trường năng động với Hiệp định EVFTA nên hàng hóa của Việt Nam không chỉ có thêm cơ hội xuất khẩu sang Hà Lan mà còn có nhiều lợi thế tiến sâu vào các nước trong khu vực này”, bà Võ Thị Ngọc Diệp nhấn mạnh.

Hơn nữa, nông nghiệp được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định EVFTA và dư địa xuất khẩu sang thị trường Hà Lan còn rất lớn. Các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vào Hà Lan cũng như thị trường EU là thủy sản, gạo, rau, quả... đã đều được hưởng mức thuế suất ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực.

Thực tế cho thấy, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng trên vào Hà Lan tăng trưởng tốt trong giai đoạn 2020 – 2022. Đặc biệt, năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với các mặt hàng cà phê tăng 170%, rau, quả tăng 48%, gạo tăng 28%, thủy sản tăng 18%, hạt tiêu tăng 10%.

Thời gian tới, theo lộ trình giảm thuế của Hiệp định EVFTA, hàng hóa Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế cạnh tranh nhiều hơn so với nhiều mặt hàng cùng loại đến từ các nước châu Á. Vì vậy, cơ hội phát triển thị trường này là rất lớn. Chưa kể, Hà Lan là thị trường cửa ngõ và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn nhất vào châu Âu, giúp kết nối các cảng và khu công nghiệp với châu Âu. Từ cảng Rotterdam - điểm nhập khẩu chính, các thương nhân Hà Lan và quốc tế sẽ phân phối sản phẩm đến nhiều quốc gia EU khác.

Thế nhưng, Hà Lan hay EU đều là những thị trường khó tính, nhiều quy định, tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa trong từng ngành hàng mà doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng, tuân thủ khi xuất khẩu vào thị trường này. Bởi vậy, việc doanh nghiệp đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã khó, nhất là hàng nông sản thực phẩm nên việc giữ vững sự hiện diện ổn định tại thị trường càng khó hơn.

Do đó, doanh nghiệp phải đặt việc tuân thủ các quy định của thị trường lên hàng đầu khi xuất khẩu sang Hà Lan, chưa kể ngày càng nhiều tiêu chí xanh, sạch mà các nước thành viên EU đặt ra để bảo vệ người tiêu dùng bản địa, giảm thiểu tác động đến môi trường. Ngoài ra, thiết kế bao bì nhãn mác hợp gu người tiêu dùng Hà Lan cũng rất quan trọng. Bên cạnh việc thể hiện đầy đủ thông tin về sản phẩm theo quy định, doanh nghiệp cần có hướng dẫn sử dụng thuận tiện, đặc biệt với những mặt hàng, sản phẩm còn mới mẻ với người sử dụng.

Bưởi da xanh do Hợp tác xã Mỹ Phong, ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho cung cấp xuất khẩu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Bưởi da xanh do Hợp tác xã Mỹ Phong, ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho cung cấp xuất khẩu. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo số liệu thống kê từ Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hà Lan trong năm 2024 đạt gần 13,8 tỷ USD, tăng 26,3% so với năm 2023. Đáng lưu ý, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 13 tỷ USD, tăng 26,9%, giá trị nhập khẩu từ Hà Lan đạt 784 triệu USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2023.

“Đây là mức tăng trưởng thương mại cao nhất trong 5 năm trở lại đây và đã đưa Hà Lan trở thành đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Với đà tăng của năm 2024, dự báo năm 2025, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước Việt Nam - Hà Lan sẽ tiếp tục có mức tăng ấn tượng”, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan nêu rõ.

Tuy nhiên, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Hà Lan trong tháng 1/2025 đạt 1,04 tỷ USD, giảm 10,1% so với tháng trước đó và giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2024. Dù vậy, mức giảm này không đáng lo ngại trong bối cảnh thương mại hai nước có nhiều động lực tăng trưởng.

Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 năm 2025 là nhóm hàng: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 273,6 triệu USD, giảm 24,6% so với tháng 12/2024 và tăng 20,9% so với cùng tháng năm 2024, chiếm 26,1% tổng trị giá xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 177,7 triệu USD, giảm 9,3% so với tháng trước và giảm 16,2% so với cùng tháng năm trước.

Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hà Lan tăng trong tháng 1 năm 2025 tăng so với cùng kỳ năm trước là cà phê tăng 99,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 80,3%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 43,7%; cao su tăng 38,8%.

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), những năm qua, quan hệ Việt Nam - Hà Lan được đánh giá là điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa hai khu vực Á - Âu. Năm 2024, Hà Lan có thêm 24 dự án được cấp mới và 20 dự án điều chỉnh tăng vốn, nâng tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và mua cổ phần lên 546 triệu USD. Hiện tại, Hà Lan vẫn tiếp tục giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất của EU vào Việt Nam, xếp vị trí thứ 8 trong 147 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư lũy kế là 14,979 tỷ USD cho 456 dự án còn hiệu lực. Việt Nam hiện có 11 dự án đầu tư tại Hà Lan với tổng vốn đăng ký là 124,5 triệu USD.

Nhận định từ các chuyên gia thương mại, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, xuất khẩu không chỉ là động lực tăng trưởng quan trọng mà còn là thước đo khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để vươn xa và tạo dựng vị thế vững chắc, doanh nghiệp không thể chỉ tập trung vào số lượng hay giá thành, mà cần hướng đến một chiến lược xuất khẩu bền vững.

Việc này không chỉ đơn thuần là việc đưa hàng hóa ra thị trường quốc tế, mà còn phải đảm bảo các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) bao gồm việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, tuân thủ các quy định lao động và thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, cũng như đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật quốc tế. Do đó, các chuyên gia thương mại cho rằng: Việc hướng tới xuất khẩu bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mà còn tạo dựng uy tín và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Qua đó, mang lại lợi ích lớn cả về thị trường, tài chính lẫn thương hiệu, giúp doanh nghiệp phát triển lâu dài và vươn xa.

Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/them-loi-the-canh-tranh-cho-hang-viet-khi-xuat-khau-sang-ha-lan/364135.html