Thêm lực cho đồng bào sinh kế thoát nghèo

Mai Sơn hiện còn 144 bản, 8 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Thực hiện các chính sách giảm nghèo, huyện đã hỗ trợ cây, con giống; hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế theo nhóm hộ và cho vay vốn ưu đãi, tạo việc làm, sinh kế để người dân vươn lên thoát nghèo.

Chiềng Dong là xã vùng 3, năm 2020, xã giảm được 16,48% hộ nghèo, hiện còn 21,26%, là xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất trong 8 xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Sơn. Ông Hoàng Văn Than, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hằng năm, thực hiện hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất theo Chương trình 135, Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg ngày 07/08/2009 của Thủ tướng Chính phủ, cho vay tín dụng ưu đãi… UBND xã lấy ý kiến dân chủ, công khai từ cơ sở và đề xuất với huyện các hình thức hỗ trợ phù hợp, thiết thực. 5 năm qua, các hộ nghèo ở xã được Nhà nước hỗ trợ phân bón, giống cây ăn quả, bò giống, với tổng giá trị hơn 1,6 tỷ đồng và được tư vấn, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc, bảo quản sản phẩm nông sản sau thu hoạch. Qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã thúc đẩy các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Toàn xã có 71 ha được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả và trồng cây ăn quả xen vườn cà phê; hơn 40% số hộ đầu tư chuồng trại nuôi nhốt đại gia súc, gắn với trồng cỏ chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo phòng dịch bệnh.

Hộ nghèo bản Dè, xã Chiềng Dong (Mai Sơn) được hỗ trợ bò sinh sản.

Hộ nghèo bản Dè, xã Chiềng Dong (Mai Sơn) được hỗ trợ bò sinh sản.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình nuôi bò nhốt chuồng được Nhà nước hỗ trợ cho các nhóm hộ, ông Hà Văn Chiêu, Trưởng bản Dè, xã Chiềng Dong, chia sẻ: Năm 2016, bản Dè có 12 hộ nghèo được hỗ trợ 4 con bò giống từ Chương trình 135. Bản đã tổ chức họp, thống nhất chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm 6 hộ quản lý 2 con bò giống. Bò giống được giao cho các hộ chăm sóc, khi bò đẻ con, bò giống tiếp tục được chuyển cho hộ tiếp theo thứ tự rút thăm. Đến nay, tất cả các hộ đều đã được nhận hỗ trợ của Nhà nước và duy trì chăn nuôi đại gia súc khá hiệu quả.

Gia đình ông Hà Văn Âm, là hộ cuối cùng trong nhóm được nhận hỗ trợ bò giống, cũng là hộ vừa thoát cận nghèo, ông Âm phấn khởi nói: Hiện gia đình có 6 con bò được nuôi theo hình thức nhốt chuồng. Tổng giá trị đàn bò giờ lên khoảng 60 triệu đồng, đây thực sự là tài sản lớn của gia đình, cứ như trong mơ vậy.
Giai đoạn 2016-2020, huyện Mai Sơn đã hỗ trợ 3.653 hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn gần 700 con đại gia súc, 334 kg giống cây lương thực, hơn 166.000 cây giống ăn quả các loại, thực hiện hơn 100 mô hình sản xuất quy mô hộ và nhóm hộ, cho 28 hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định 2085/QĐ-TTG ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua các tổ chức đoàn thể nguồn vốn, cho hộ nghèo, cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn chính sách tín dụng ưu đãi trên 330 tỷ đồng.

Ông Cầm Văn Thoát, Trưởng phòng Dân tộc huyện, cho biết: Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 12,77%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng, tăng hơn 29 triệu đồng so với năm 2015. Đặc biệt, có 3/8 xã đặc biệt khó khăn giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 10% trở lên; số hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn còn gần 41%.

Cùng với ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, huyện Mai Sơn đang tập trung tuyên truyền, tập huấn, khuyến khích bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, triển khai các mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao; hỗ trợ tiếp cận tín dụng, thông tin thị trường và kết nối doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, phấn đấu giai đoạn 2021-2025, mỗi năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/them-luc-cho-dong-bao-sinh-ke-thoat-ngheo-38258