Thêm một ca mắc Covid-19 tại ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh

Chiều 11-4, Bộ Y tế công bố một ca mắc Covid-19 mới liên quan đến ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh. Như vậy tại ổ dịch này đã ghi nhận 6 ca mắc Covid-19, là ổ dịch phức tạp nhất Hà Nội hiện nay.

Theo đó, bệnh nhân số 258 là nữ, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú tại xóm Hội, Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân là mẹ bệnh nhân số 257 đang được cách ly tại Bệnh viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Bệnh nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm và kết luận dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 11-4.

Cơ quan chức năng phong tỏa "ổ dịch" Mê Linh. Ảnh:tienphong.vn

Cơ quan chức năng phong tỏa "ổ dịch" Mê Linh. Ảnh:tienphong.vn

Trước đó, con gái của bệnh nhân được xác định là ca mắc Covid-19 thứ 257 tại Việt Nam. Bệnh nhân là học sinh, 15 tuổi trong thời gian nghỉ học chỉ ở nhà không đi đâu. Ngày 20-3, bệnh nhân 243 (là bạn của bố bệnh nhân) đến nhà chơi và nói chuyện với bố bệnh nhân. Ngày 8-4, bệnh nhân có biểu hiện sốt, chảy nước mũi. Ngày 9-4, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 10-4, xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bố bệnh nhân cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Liên quan đến ổ dịch Hạ Lôi, Mê Linh (Hà Nội) đến nay đã ghi nhận 6 trường hợp dương tính virus SARS-CoV-2, trong đó ca bệnh số 243 được phát hiện đầu tiên. Bệnh nhân này có tiền sử từng đến Bệnh viện Bạch Mai, đi lại nhiều giữa Hà Nội, Mê Linh và đưa người nhà đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám.

Liên quan đến bệnh nhân này đã có lây nhiễm Covid-19 cho 5 bệnh nhân, đó là bệnh nhân 250, 253, 254, 257, 258 là hàng xóm, chị dâu và hai mẹ con hàng xóm của bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân 254 có đến Bệnh viện Thận Hà Nội chạy thận.

Như vậy đến nay cả nước đã ghi nhận 258 ca mắc Covid-19, với 114 ca đang điều trị tại các cơ sở Y tế, 144 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh/xuất viện. Ngoài ra, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với virus SARS-CoV-2 là 12 ca.

*Ngày 11-4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 với 700 điểm cầu trên toàn quốc.

Tại hội nghi tập huấn, các chuyên gia đã phân tích về phác đồ điều trị Covid-19 hiện nay Việt Nam đang áp dụng và luôn cập nhật với phác đồ của thế giới. Theo đó 80,9% bệnh nhân mắc Covid-19 ở mức độ nhẹ, chỉ cần điều trị thông thường là có thể khỏi; 15,3% bệnh nhân mắc có biến chứng, trong đó gần 6% có biến chứng nặng, vì vậy các cơ sở y tế tuyến địa phương luôn phải sẵn sàng và thường xuyên nâng cao năng lực về điều trị để thu dung các bệnh nhân mắc khi dịch bệnh xảy ra trên diện rộng.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian qua mạng lưới chăm sóc người bệnh Covid-19 với sự hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành, hồi sức tích cực, sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã tích cực điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh. "Ngày hôm qua đã ghi nhận Việt Nam là một trong số 2 quốc gia, vùng lãnh thổ không có trường hợp mắc Covid-19 tử vong dù đã có những ca bệnh nặng. Đó là niềm tự hào của chúng ta nhưng tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay, không thể nói trước điều gì mà càng cần phải dồn hết sức, trí tuệ, trang thiết bị, thuốc tốt nhất cho điều trị các bệnh nhân nặng nhất hiện nay và liên tục cập nhật thông tin về các trường hợp này hàng ngày", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Các điểm cầu tại hội nghị tập huấn trực tuyến về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Các điểm cầu tại hội nghị tập huấn trực tuyến về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19.

Tại hội nghị, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã nâng cấp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lên một cấp độ mới vì nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện rất cao. Theo đó, những người đến khám tại bệnh viện đều được coi là F1 có khả năng truyền bệnh, từ đó có thể phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập. Trong bối cảnh bệnh nhân nội trú và ngoại trú đã giảm so với trước, các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện nghiêm những biện pháp phòng hộ và kỹ năng tiếp cận, chăm sóc, điều trị bệnh nhân. “Chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cũng như chiến lược, sách lược trong điều trị. Chúng ta phải chia kíp trực trong bệnh viện, các kíp cách nhau từ 7 đến 14 ngày. Nếu không may, kíp thứ nhất bị nhiễm hoặc tiếp xúc gần người bệnh dương tính thì cách ly kíp đó và huy động kíp sau tiếp tục. Làm như vậy để luôn luôn có đủ nguồn nhân lực để làm việc, tránh tình trạng như vừa rồi, có ca dương tính là toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa”, PGS, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng nhận định, tác nhân gây bệnh Covid-19 là loại virus mới nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tức là chưa có loại thuốc nào uống vào có thể lập tức chữa khỏi được bệnh này.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, những loại thuốc mà các nước phát triển thử nghiệm để hỗ trợ điều trị Covid-19, đều đã được Bộ Y tế dự trữ đủ, đáp ứng từ 430.000 liều đến 10 triệu liều khi cần sử dụng. Điều quan trọng nhất hiện nay để phòng, chống dịch là người dân cần tuân thủ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

*Tại Thông báo số 153/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp cấp bách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trước hết đến hết ngày 15-4-2020, tuyệt đối không được lơi lỏng, chủ quan.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá: Chiến lược ngăn chặn, cách ly khoanh vùng dập dịch và điều trị hiệu quả là đúng đắn, các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng đúng thời điểm, phù hợp với diễn biến dịch; đặc biệt việc cách ly toàn xã hội được thực hiện kịp thời. Đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, là kết quả rất đáng mừng. Tuy nhiên, nguy cơ lây lan trong cộng đồng, bùng phát dịch bệnh tại Việt Nam vẫn rất cao. Các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện chủ động các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa.

THÁI SƠN (tổng hợp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/them-mot-ca-mac-covid-19-tai-o-dich-ha-loi-me-linh-614967