Thêm một công trình nghiên cứu về Thành cổ Biên Hòa

Với mong muốn mang những tư liệu khách quan, ngắn gọn cùng với hình ảnh, sơ đồ, bản đồ về Thành cổ Biên Hòa đến bạn đọc, nhóm tác giả do PGS-TS.Huỳnh Văn Tới (chủ biên) đã cho ra đời cuốn sách Di tích lịch sử văn hóa Thành cổ Biên Hòa xưa.

Bìa cuốn sách Di tích lịch sử văn hóa Thành cổ Biên Hòa xưa

Bìa cuốn sách Di tích lịch sử văn hóa Thành cổ Biên Hòa xưa

Cuốn sách là tư liệu quý, giúp các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về di tích lịch sử, văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

1. Di tích lịch sử văn hóa Thành cổ Biên Hòa xưa do NXB Đồng Nai ấn hành, gần 200 trang bao gồm 6 phần: Dấu ấn thời gian; Các công trình trong không gian văn hóa Thành Biên Hòa; Biên Thành thất thủ; Hiện trạng di tích; Phục dựng và tu bổ; Kết quả khảo cổ.

PGS-TS Huỳnh Văn Tới cho biết, về di tích Thành cổ Biên Hòa đã có nhiều ý kiến, nhiều tài liệu bàn đến. Vấn đề khiến nhiều người quan tâm là giá trị đích thực của di tích Thành cổ Biên Hòa là gì? Không gian và chiều sâu của di tích lịch sử như thế nào, có phải di tích chỉ là những công trình hiện trạng trực quan hay không?

Về lịch sử văn hóa của thành cổ chủ yếu căn cứ trên thư tịch và những di sản còn thấy được, đó là một vòng thành được xây dựng bằng đá ong, bên trong có ngôi nhà kiến trúc theo kiểu Pháp. Các nhà nghiên cứu, nhà quản lý trong thời gian vừa qua đã kiên trì thực hiện nhiều phương pháp cuối cùng đi đến định vị để có thể hình dung được thành cổ.

“Về chiều sâu văn hóa lịch sử, qua kết quả khai quật của PGS-TS Phạm Đức Mạnh từ những năm 2000 trở lại đây cho thấy, ở dưới thành cổ có 4-5 lớp văn hóa chồng lên nhau. Đó là văn hóa thời tiền sử, văn hóa qua những mảnh gốm, những hiện vật kết nối với văn hóa Óc Eo ở Tây Nam bộ, văn hóa Đông Sơn ở miền Trung…” - PGS-TS Huỳnh Văn Tới chia sẻ.

Cùng với xuất bản cuốn sách Di tích lịch sử văn hóa Thành cổ Biên Hòa xưa, tác giả Lê Ngọc Quốc (biên soạn sách) đã phục dựng Sa bàn Thành cổ Biên Hòa tỷ lệ 1/400. Sa bàn được trưng bày tại Văn miếu Trấn Biên, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa xung quanh di tích thành cổ của Biên Hòa - Đồng Nai.

Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia Thành cổ Biên Hòa được các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá là nơi chứa đựng những giá trị quý giá về lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Năm 1961, khi thực dân Pháp chiếm đóng đã cho xây dựng lại Thành Biên Hòa. Hào phía đông được lấp đất lại, xây cất phố xá, biệt thự, nhà thương… trong nội thành cho sĩ quan cao cấp và quân đội Pháp ở. Buổi sáng lính Pháp thường sử dụng kèn báo thức, âm thanh vang cả một vùng nên dân địa phương quen gọi là Thành Kèn.

2. Theo các nhà nghiên cứu, nằm trong không gian văn hóa Thành Biên Hòa có nhiều công trình văn hóa, tín ngưỡng như: miếu Thành Hoàng; đàn Xã tắc của Thành Biên Hòa; đàn Tiên nông và tịch điền (ngày nay là đình Bình Trước, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa); Văn miếu Trấn Biên; miếu Hội đồng Biên Hòa (sau này đổi thành miếu Bình Thiền hay Bình Thành thuộc KP.4, P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa); đền Trung tiết ở Thành Biên Hòa xưa thuộc ấp Bình Thành, nay là P.Quang Vinh. Sau khi đền dời về xóm chùa Cô Hồn đường Phan Đình Phùng thì đổi tên là miễu Bình Hòa.

Sa bàn Thành cổ Biên Hòa trưng bày tại Văn miếu Trấn Biên, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân và du khách. Ảnh: L.Na

Sa bàn Thành cổ Biên Hòa trưng bày tại Văn miếu Trấn Biên, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân và du khách. Ảnh: L.Na

Trong thời gian qua, Đồng Nai đã cố gắng bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, hiện nay do khó khăn về nguồn kinh phí nên dự án tu bổ, tôn tạo di tích Thành Biên Hòa mới hoàn thành việc tu bổ, tôn tạo hạng mục tường thành và lô cốt phía Đông, Tây, Bắc; Đông Bắc, Tây Bắc, hai ngôi biệt thự; sân đường nội bộ; nhà xe; nhà vệ sinh; hệ thống cấp, thoát nước, điện chiếu sáng. Các hạng mục còn lại vẫn đang được tiến hành các thủ tục cần thiết để dự án sớm triển khai và hoàn thiện.

Để khôi phục vẻ đẹp di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách, các nhà nghiên cứu trong cuốn sách Di tích lịch sử văn hóa Thành cổ Biên Hòa xưa cho rằng, cần sưu tầm và trưng bày tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Thành cổ Biên Hòa, về vùng đất Đồng Nai có liên quan đến di tích qua các giai đoạn lịch sử. Tổ chức các đợt khảo sát, đào thám sát và khai quật để tìm hiểu các dấu tích còn tiềm ẩn trong lòng đất liên quan đến Thành Biên Hòa. Bên cạnh đó, cần xây dựng kho bảo quản cổ vật, dịch vụ phục chế, phục hồi di vật, cổ vật phục vụ cho việc trưng bày tại di tích Thành Biên Hòa…

Có thể nói, trải qua gần 2 thế kỷ được tạo dựng với bao biến cố của lịch sử, thăng trầm, Thành cổ Biên Hòa vẫn là biểu tượng cao đẹp của quân dân Biên Hòa trong suốt chiều dài lịch sử, biểu tượng về tinh thần đoàn kết một lòng, sức mạnh của lòng dân. Về Biên Hòa - Đồng Nai hôm nay để ngược dòng về quá khứ, sống trong không gian lịch sử, tưởng nhớ đến thời kỳ dựng nước và giữ nước của cha ông, để rồi đọng lại trong tâm khảm mỗi người con đất Việt niềm tự hào, tự tôn dân tộc. Thành cổ Biên Hòa là di sản vô giá của thế hệ đi trước trao truyền cho các thế hệ mai sau.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202006/them-mot-cong-trinh-nghien-cuu-ve-thanh-co-bien-hoa-3009398/