Thêm một hồi chuông cho bóng đá 'xây nhà từ nóc'

VHĐS - Cách đây hơn 20 năm, sau một thời gian hành nghề ở dải đất hình chữ S và đạt thành công nhất định (đưa đội tuyển bóng đá quốc gia vào đến trận chung kết Tiger Cup 1998), vị huấn luyện viên người Áo Alfred Riedl có phát ngôn gây sốc nhưng để đời: 'Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc'.

“Xây nhà từ nóc” bởi phần lớn các đội bóng ở ta lúc đó chỉ quan tâm đến thành tích nhất thời theo kiểu “mua các cầu thủ thuộc hàng ngôi sao cộng thưởng lớn” thay vì “xây nhà từ móng”, tức phải quan tâm đến công tác đào tạo trẻ. Chuyện ngược đời này còn kéo dài đến tận hơn 10 năm sau khi bóng đá Việt Nam từng bước chuyên nghiệp hóa và những The Vissai Ninh Bình, B. Bình Dương, Vicem Hải Phòng, Xuân Thành Sài Gòn... liên tiếp có các bản hợp đồng “khủng”, mong đoạt chức vô địch hay ít ra cũng đổi màu huy chương.

Những tưởng chuyện ngược đời ấy chỉ có ở xứ ta thì cách đây không lâu, làng cầu châu lục lại chấn động trước thông tin: Nhiều khả năng, Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Jiangsu Suning (Trung Quốc) bị giải thể. Điều đáng nói hơn, chỉ vài tháng trước đó, Jiangsu Suning còn giành ngôi quán quân của Chinese Super League 2020 (giải bóng đá vô địch Trung Quốc 2020). Nói cách khác, họ là nhà đương kim vô địch bị khai tử ngay trên vòng nguyệt quế. Mọi chuyện đối với CLB Jiangsu Suning thật “đơn giản”: Do mua sắm vô tội vạ theo kiểu “vung tiền đổi thành tích” nên nợ tới gần 64 triệu USD (tức gần 500 triệu nhân dân tệ) và hiện không có khả năng chi trả.

Không ai không biết khát vọng muốn hóa rồng của các ông bầu bóng đá Trung Quốc, nhất là khi đội tuyển bóng đá quốc gia nước này từng lọt vào World Cup 2002. Song thực tế ở Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nơi đã chứng minh: Khát vọng và tiền là chưa đủ và không thể ngay lập tức tạo ra cái gọi là “đẳng cấp” trong bóng đá. Mọi thứ cần có thời gian. Thêm nữa, thời gian phải đủ cho một quá trình “gieo trồng” từ chọn giống đến ươm mầm, chăm bón, trưởng thành trước khi nghĩ đến chuyện thu hoạch, thụ hưởng thành quả... Rõ ràng, nếu cứ chạy theo công thức: “Mua cầu thủ thuộc hàng ngôi sao cộng thưởng lớn” mà không chú trọng đến công tác đào tạo trẻ, các đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam hay Trung Quốc không hề được “lợi lộc” gì, nếu không muốn nói tiềm tàng những nguy cơ khi các cầu thủ nội địa ngày càng ít được ra sân do không cạnh tranh nổi với các đồng nghiệp ngoại quốc. Mà đã ít được ra sân, họ không thể duy trì được phong độ, thể lực (đừng nói tới nâng cao trình độ) là điều tất yếu!

Chuyện buồn của CLB Bóng đá Jiangsu Suning cũng chính là thêm một hồi chuông cảnh báo về thứ bóng đá “xây nhà từ nóc” với các đội bóng Việt Nam. Ở làng cầu quốc nội, mọi thứ không đến nỗi “bi đát toàn phần” vì chúng ta còn có những ông bầu tâm huyết như Đoàn Nguyên Đức, Đỗ Quang Hiển...

Cụ thể, đã có trong tay 2 vòng nguyệt quế của giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia (các năm 2003, 2004) cùng nhiều hảo thủ hàng đầu khu vực như

Kiatisuk, Dusit, Tawan... ông Đoàn Nguyên Đức vẫn quyết định “tầm sư học đạo”, làm bóng đá một cách bài bản: Xây dựng Học viện Bóng đá HAGL - JMG nhờ sự hợp tác, giúp đỡ của CLB Arsenal (Anh). Để có một lứa cầu thủ như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường..., ông bầu đội bóng phố núi đã phải bỏ ra tới 7 năm cùng rất nhiều chi phí: Bỏ rừng cao su xây học viện, đầu tư cho các cầu thủ học văn hóa và chuyên môn, thuê thầy, nhập giáo án, mua sắm các trang thiết bị cần thiết. Chưa hết, ông Đức còn chấp nhận mất thêm vài năm không thành tích khi cho các cầu thủ trẻ ra “thử lửa”, tích lũy kinh nghiệm ở một sân chơi khốc liệt như V.League.

Có thể nói, nếu thiếu Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường của bầu Đức và những Quang Hải, Văn Hậu của bầu Hiển... đội U23 và tuyển quốc gia Việt Nam không thể gặt hái được thành công như thời gian qua. Đã đành HLV Park Hang Seo giỏi nhưng “có bột mới gột nên hồ”. Mà không chỉ Hoàng Anh Gia Lai hay đội bóng thủ đô mới làm được bóng đá trẻ. Rất nhiều địa phương ở ta có truyền thống bóng đá và không thiếu tài năng nhí: Đồng Tháp, Nam Định, Nghệ An, Thanh Hóa... Chỉ tính mươi, mười lăm năm trở lại đây, bóng đá xứ Thanh có nhiều cầu thủ xuất sắc như: Lê Hồng Minh, Tiến Thành, Hoàng Đình Tùng, Lê Văn Thắng, Lê Quốc Phương, Bùi Tiến Dũng...

Quan trọng là tầm nhìn và cách làm! Hy vọng từ “cái chết được báo trước” của CLB Bóng đá Jiangsu Suning, các đội bóng ở ta sẽ rút ra được bài học hữu ích cho mình!

Thanh Hà

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/the-thao/them-mot-hoi-chuong-cho-bong-da-xay-nha-tu-noc/19207.htm