Thêm một trường hợp bé gái 6 tuổi tử vong nghi bị bạo hành

Sự việc một cháu bé gái 6 tuổi ở Hà Nội tử vong nghi có dấu hiệu bị bạo hành ở Hà Nội diễn ra mới đây một lần nữa khiến dư luận phẫn nộ. Nhiều người đặt câu hỏi: Cần phải có biện pháp cấp bách nào để những vụ việc đánh đập, hành hạ, ngược đãi trẻ em gây hậu quả đau lòng không còn tái diễn?

Khi trẻ bị hành hạ, đánh đập, hiếp dâm

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, CAQ Bắc Từ Liêm (TP Hà Nội) đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân tử vong của một bé gái 6 tuổi, trú tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Được biết, chiều 16-9, chính quyền địa phương nhận tin báo về việc một bé gái 6 tuổi sống trên địa bàn phải nhập viện cấp cứu và đã tử vong. Kết quả thăm khám ban đầu cho thấy, bé gái nghi có dấu hiệu bị bạo hành. Hiện lực lượng chức năng đang tiếp tục xác minh, làm rõ sự việc.

Cũng liên quan đến bạo hành trẻ em, trước đó, VKSND Hà Nội vừa ra cáo trạng truy tố Hoàng Thị Minh Huyền, 34 tuổi, về tội Hành hạ người khác theo khoản 2 điều 185BLHS 2015. “Chồng hờ” của Huyền là Phạm Thanh Tùng, 31 tuổi, bị truy tố tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi, theo khoản 2 điều 142 BLHS 2015.

Theo cáo trạng, sau khi ly hôn, Huyền sống cùng 3 con. Tuy vậy, cô ta thường đánh đập con gái 12 tuổi bằng ống nhựa, gậy gỗ, dây điện, đồng thời thường xuyên bỏ mặc, không chăm sóc các con.

Bé gái 12 tuổi bị đánh đập, hiếp dâm, trên người đầy vết bầm tím

Bé gái 12 tuổi bị đánh đập, hiếp dâm, trên người đầy vết bầm tím

Khi Huyền cùng các con chuyển đến căn hộ thuê tại phường Quang Trung, quận Hà Đông chung sống như vợ chồng với Tùng, có một con chung, Tùng đã 9 lần khống chế để hiếp dâm con gái 12 tuổi của Huyền.

Còn tại Bình Dương, cách đây không lâu, Nguyễn Hoài Nam, 28 tuổi đã bị khởi tố, bắt tạm giam 2 tháng vì bạo hành bé trai 5 tuổi - con riêng của "vợ hờ".

Kết quả điều tra cho thấy, Nam sống như vợ chồng với người phụ nữ 29 tuổi cùng con riêng của chị tại nhà trọ ở phường Bình Chuẩn. Một hôm, sau khi uống rượu, anh ta cho rằng bé trai "hay nói dối" nên chửi mắng, đánh, đạp liên tiếp vào người cháu bé.

Mặc dù cậu bé khóc lóc, sợ hãi, hắn nhấc bổng nạn nhân lên cao rồi ném xuống nền nhà (có nệm mỏng). Đến khi cậu bé bị ném lần thứ hai người mẹ mới chạy ra ôm con. Sự việc được hàng xóm ghi hình, đăng tải lên mạng xã hội.

Cần xử lý nghiêm khắc để làm gương

Khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em 2016 quy định “Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.”

Hiến pháp 2013 cũng nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.

Do vậy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, đối tượng có hành vi bạo lực đối với trẻ em có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự - Luật sư Lê Hồng Vân nhận định.

Về xử phạt hành chính, Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP nêu rõ, người thực hiện một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em; Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục; Dùng biện pháp trừng phạt làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác, tinh thần…

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, căn cứ vào tính chất của từng sự việc ngược đãi, hành hạ trẻ em, người phạm tội có thể bị xử phạt với các tội khác nhau như Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc người có công nuôi dưỡng mình; Tội hành hạ người khác; Tội Hiếp dâm, thậm chí cả tội Giết người.

Về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Điều 134 BLHS 2015 quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11- 30% hoặc dưới 11% nhưng đối với người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Khung hình phạt cao nhất của tội này là tù chung thân.

Về Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc người có công nuôi dưỡng mình, Điều 185 nêu rõ, người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể con, cháu thuộc một trong những trường hợp quy định tại Khoản 1 thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội với người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

Còn về tội hành hạ người khác, theo Điều 140, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội với người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 2-5 năm.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/them-mot-truong-hop-be-gai-6-tuoi-tu-vong-nghi-bi-bao-hanh-post480668.antd