Thêm một vụ sản xuất thắng lợi

Vụ đông xuân 2023 - 2024, công tác chỉ đạo mùa vụ, chuẩn bị vật tư sản xuất được thực hiện sớm. Vì vậy, dù trong vụ gặp khó khăn về thời tiết, khí hậu và tác động bất lợi của thị trường, nhưng các chỉ tiêu vẫn cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Nông dân các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ

Vụ đông xuân 2023 - 2024, công tác chỉ đạo mùa vụ, chuẩn bị vật tư sản xuất được thực hiện sớm. Vì vậy, dù trong vụ gặp khó khăn về thời tiết, khí hậu và tác động bất lợi của thị trường, nhưng các chỉ tiêu vẫn cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Nông dân các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ "thu chiêm” để "làm mùa” theo đúng khung thời vụ.

Nông dân xã Hợp Phong (Cao Phong) thu hoạch lúa chiêm xuân.

Nông dân xã Hợp Phong (Cao Phong) thu hoạch lúa chiêm xuân.

Tại huyện Yên Thủy, các xã, thị trấn đã hoàn thành thu hoạch lúa xuân từ khoảng trung tuần tháng 6. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đạt gần 7.300 ha, trong đó, diện tích lúa 669 ha, tăng 11,5% kế hoạch, tăng 3,85% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 10.970 tấn, tăng 3,34% kế hoạch, tăng 2,14% so với cùng kỳ. Đây là vụ sản xuất được đánh giá được mùa, các chỉ tiêu hầu hết đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đồng chí Trịnh Đình Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thủy cho biết: Để đảm bảo tiến độ sản xuất mùa vụ, huyện khuyến khích các địa phương huy động tối đa thiết bị, máy móc để tiết kiệm thời gian và giảm sức lao động. Thời điểm này, toàn huyện cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa mùa trà sớm, các diện tích trà trung và trà muộn dự kiến cấy xong trước ngày 20/7.

Vụ đông xuân 2023 - 2024, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh đạt 71,96 nghìn ha; trong đó, vụ đông 9,46 nghìn ha, đạt 109% kế hoạch; vụ xuân 62,49 nghìn ha, đạt 100,7% kế hoạch và 102% so với cùng kỳ; tổng diện tích cây lương thực có hạt 35,87 nghìn ha; tổng sản lượng ước đạt 190,06 nghìn tấn. Trong lĩnh vực chăn nuôi, công tác tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng cho gia súc và khử trùng tiêu độc, phòng chống dịch bệnh động vật được đôn đốc thực hiện. 6 tháng đầu năm, tổng đàn vật nuôi 9,65 triệu con; sản lượng gia súc, gia cầm xuất chuồng ước đạt 56,2 nghìn tấn. Diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng duy trì 2.695 ha; số lồng nuôi cá 4.987 lồng; sản lượng nuôi trồng 6 tháng đầu năm ước đạt 5.000 tấn. Cùng với đó, công tác chăm sóc, bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng mùa khô được tăng cường, góp phần duy trì độ che phủ rừng ổn định.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2023 - 2024, thời tiết đầu vụ tương đối thuận lợi để gieo cấy lúa và trồng cây màu; một số diện tích đất trồng lúa không cấy do thiếu nước đã chủ động chuyển sang trồng cây màu ngắn ngày, đảm bảo tiến độ sản xuất theo kế hoạch. Công tác chỉ đạo sản xuất được thực hiện kịp thời, điều tiết nguồn nước hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho gieo cấy lúa và cây hàng năm nhanh, tập trung, đảm bảo trong khung thời vụ. Năng suất lúa ước đạt 60,2 tạ/ha, sản lượng 97,55 nghìn tấn, đạt 100,4% so với cùng kỳ và 105,8% kế hoạch; năng suất ngô ước đạt 48,5 tạ/ha, sản lượng 74,76 nghìn tấn... Một số loại cây trồng khác như: rau, đậu các loại, khoai lang, lạc… đều đạt và vượt so với chỉ tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng. Các chương trình xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh được đẩy mạnh. Trong 6 tháng có 657 tấn sản phẩm được xuất khẩu, giá trị xuất khẩu khoảng 30 tỷ đồng.

Bước sang vụ hè thu, vụ mùa năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu diện tích gieo trồng đạt 45,03 nghìn ha; diện tích cây lương thực có hạt 32,8 nghìn ha, trong đó cây lúa 21,75 nghìn ha, phấn đấu năng suất đạt 56 tạ/ha; cây ngô 11,05 nghìn ha, năng suất 48 tạ/ha...

Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 7 - 8/2024 tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh. Nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn. Tháng 9 - 10/2024, tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn 10 - 30% so với trung bình nhiều năm. Lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn trên lưu vực sông Đà thiếu hụt từ 30 - 40%. Bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng xảy ra nhiều và mạnh hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất. Mưa nhiều ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch lúa và cây màu vụ mùa, hè thu, tiến độ gieo trồng cây vụ đông năm 2024.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất cả năm, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất vụ mùa, hè thu chặt chẽ ngay từ đầu vụ để đạt kết quả toàn diện cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị nông sản. Theo đó, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất bình thường trên những diện tích đất chưa đảm bảo các điều kiện thực hiện các dự án để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu tăng trưởng ngành. Mở rộng diện tích gieo trồng, không để đất trống; tăng cường chăm sóc, thâm canh cây trồng để nâng cao năng suất, sản lượng. Làm tốt thủy lợi nội đồng. Thúc đẩy sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Phối hợp triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu có thế mạnh của tỉnh...

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/190851/them-mot-vu-san-xuat-thang-loi.htm