Thêm năng lượng sạch cho đảo Thổ Chu

Vừa qua, tại Trạm Ra Đa 610, đảo Thổ Chu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã diễn ra Lễ đóng điện hệ thống điện mặt trời độc lập lưới 2,8 kWp do Tập đoàn Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK) kết hợp với Thành đoàn TP HCM đồng tài trợ phục vụ cho lực lượng Hải quân trên đảo.

Dự án này nằm trong chương trình Mùa hè Xanh của Thành đoàn TP HCM và trong chuỗi chiến dịch xã hội “Hướng về biển đảo” của SolarBK, được thực hiện thường niên. Với hệ thống điện mặt trời độc lập lưới 2,8 kWp, Trạm Ra Đa sẽ có thêm khoảng 11,2 kWh điện mỗi ngày, sử dụng chính cho khu vực kho và căn tin.

Khu vực Trạm Ra Đa 610 được lắp đặt hệ thống điện mặt trời

Khu vực Trạm Ra Đa 610 được lắp đặt hệ thống điện mặt trời

Trạm Ra Đa 610 nằm ở khu vực núi cao, cách biệt với khu vực nhà dân nên phải sử dụng hệ thống điện riêng. Hiện tại, trạm có hệ thống máy phát điện phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt chung của lính đảo, thường bị giới hạn về thời gian sử dụng khoảng 4 giờ/ngày, từ 17h00 đến 21h00. Tại khu vực cấp nguồn điện cho phòng Ra Đa đã lắp đặt sẵn một hệ thống điện mặt trời độc lập lưới, chỉ phục vụ riêng cho công tác chính trị. Tuy nhiên, hệ thống đã được lắp đặt khá lâu, nhà cung cấp trước đó đã không còn hoạt động nữa nên việc bảo trì cho hệ thống cũng gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, cùng với việc tài trợ hệ thống điện mặt trời độc lập lưới 2,8 kWp này, SolarBK cũng đã hỗ trợ xem xét lại tình trạng của hệ thống cũ để có phương án khắc phục phù hợp, đảm bảo nguồn điện liên tục phục vụ công tác biên phòng.

Đại diện Trạm Ra Đa 610, anh Nguyễn Như Quý - Chính trị viên Tiểu đoàn cho biết: “Trước đây việc sinh hoạt, ăn uống của anh em gặp nhiều khó khăn do điều kiện máy phát chỉ có điện trong khoảng 4 giờ mỗi ngày. Từ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời của SolarBK, chúng tôi được sử dụng điện gần như cả ngày, buổi tối chủ yếu thắp đèn sáng để anh em cùng sinh hoạt, nói chuyện. Vì mỗi ngày tại đây chỉ có một phiên chợ, nên chúng tôi thường phải gửi nhờ đồ ăn ở nhà dân chờ chế biến sau, nhà dân cách Trạm khoảng 2 km đường rừng. Nay có điện mặt trời, anh em dự định sắm thêm tủ lạnh để giữ đồ ăn, giúp cho việc ăn uống của mọi người được thuận tiện hơn”.

Để di chuyển các thiết bị như pin mặt trời, inverter, ắc quy và giàn khung lắp đặt tới trạm Ra đa 610 cũng không phải chuyện đơn giản. Vốn có kinh nghiệm trong việc lắp đặt các hệ thống năng lượng sạch tại biển đảo, anh Võ Thành Ra Păng, nhân viên kỹ thuật của SolarBK cho biết: Cần phải chuẩn bị thật kỹ và dự phòng phát sinh các thiết bị cũng như dụng cụ thi công, vì trên đảo không dễ dàng để mua các thiết bị thay thế. Chỉ cần thiếu hoặc dụng cụ bị hư hỏng trong quá trình thi công cũng khiến tiến độ hoàn thành dự án bị ảnh hưởng lớn. Việc di chuyển các thiết bị từ bến cảng lên tới trạm Ra đa 610 cũng không dễ dàng. Tổng trọng lượng của thiết bị lên tới 300 kg, các anh lính biên phòng cùng các chiến sĩ Mùa Hè Xanh đã hỗ trợ SolarBK rất nhiều trong việc vận chuyển thiết bị về nơi tập kết, tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành dự án.

Đại diện SolarBK trao tặng Hệ thống điện mặt trời cho các chiến sĩ Trạm Ra Đa 610

Đại diện SolarBK trao tặng Hệ thống điện mặt trời cho các chiến sĩ Trạm Ra Đa 610

Nói về cơ duyên hợp tác, đại diện SolarBK cho biết việc này xuất phát từ lời giới thiệu của Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVN HCM). Trong năm 2017, EVN HCM đã phối hợp với SolarBK hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Trung tâm dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn – Quảng Ngãi. Công trình đã nhận được phản hồi rất tích cực từ phía nhà trường cũng như xã hội. Tiếp nối tinh thần đó, phía EVN HCM đã kết nối SolarBK với Thành Đoàn TP HCM trong chiến dịch tình nguyện hè năm 2019, tiếp tục triển khai việc tài trợ hệ thống điện mặt trời cho đảo Thổ Chu.

Chia sẻ về quyết định tài trợ cho dự án điện mặt trời phục vụ Trạm Ra Đa 610, chị Nguyễn Thùy Ngân, Giám đốc Thương hiệu SolarBK cho biết: “Hướng về biển đảo là một trong những hoạt động nổi bật xuyên suốt của SolarBK từ những ngày đầu thành lập. SolarBK đã gắn liền với những dự án năng lượng sạch, có thể kể đến như dự án năng lượng sạch tại quần đảo Trường Sa công suất lên tới 8,5 MWp, thi công từ năm 2008; dự án đảo Sơn Chà - Huế (10 kWp), dự án đảo Bé - Quảng Ngãi (96 kWp). Thông qua những dự án này, SolarBK momg muốn tiếp tục thực hiện sứ mệnh phổ biến năng lượng sạch vào cuộc sống, đưa điện mặt trời trở nên gần gũi hơn với cộng đồng, từ đất liền đến hải đảo”.

Hệ thống điện mặt trời tại Trạm

Hệ thống điện mặt trời tại Trạm

Sau lần hợp tác thành công lần này, SolarBK cùng Thành đoàn TP HCM đã có cuộc họp để cùng nhau bàn bạc, mở rộng các dự án xã hội trong tương lai. Phạm vi hoạt động không chỉ dừng lại ở các dự án năng lượng sạch vì cộng đồng, mà còn hướng đến việc xây dựng và phát triển nhận thức của thế hệ trẻ về năng lượng sạch, đem lại một cuộc sống thân thiện, bền vững hơn cho dân tộc Việt.

M.P

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/them-nang-luong-sach-cho-dao-tho-chu-552562.html