Thêm nguồn lực cho các công trình trọng điểm quốc gia

Là đơn vị được giao nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc huy động thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ.

Tính phương án huy động thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 vừa ban hành, Chính phủ một lần nữa yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia.

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm quốc gia. Nguồn: ITN

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình trọng điểm quốc gia. Nguồn: ITN

Trước đó, nhiệm vụ này đã được nêu trong Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 18.5 về kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, trong đó có các vấn đề thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất và huy động vốn cho đầu tư phát triển. Cụ thể, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính: “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội. Phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn cho đầu tư phát triển, tập trung cho đầu tư hạ tầng chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nhà ở xã hội; trước mắt nghiên cứu phát hành thêm khoảng 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia”.

Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Bảy của Quốc hội Khóa XV, giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và tuyệt đối (15,65% - tương đương 110.633 tỷ đồng). Nhờ đó, một lượng vốn lớn, khoảng 115.906 tỷ đồng, đã được đẩy ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng.

Số liệu mới nhất của Kho bạc Nhà nước (KBNN) cho biết, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 trong 5 tháng đầu năm là 147.947,7 tỷ đồng, bằng 22,3% kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng giao; bằng 20,9% kế hoạch vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2024 giao. Cụ thể, vốn trong nước thanh toán là 145.678,9 tỷ đồng (bằng 22,6% kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng giao, bằng 21,2% kế hoạch vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2024); Vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua KBNN là 2.268,8 tỷ đồng (bằng 11,3% kế hoạch năm 2024 Quốc hội, Thủ tướng giao).

Với diễn biến tích cực của giải ngân đầu tư công những tháng đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có thể xảy ra tình huống thiếu vốn dịp cuối năm. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, nếu các bộ, ngành tiếp tục giải ngân tốt thì rất có khả năng đến cuối năm hết tiền, tức là giải ngân hết rồi và không còn hạn mức, không còn dự toán để giải ngân nữa. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng, dự báo lượng vốn thực tế có thể giải ngân được của năm 2024 và năm 2025 so với tổng hạn mức của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Uớc tính năm nay có thể thiếu hơn 100.000 tỷ đồng, ông Phương cho biết.

5 tháng, huy động hơn 127 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ

Theo dự toán được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 104/2023/QH15, năm 2024, tổng nhu cầu vốn vay của ngân sách trung ương là 659.934 tỷ đồng. Trên cơ sở các nguồn huy động vốn trong và ngoài nước, Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2024 cho KBNN là 400.000 tỷ đồng.

KBNN cho biết, lũy kế 5 tháng đầu năm, KBNN đã huy động được 127.031 tỷ đồng, đạt 31,8% kế hoạch được giao. Kỳ hạn phát hành bình quân năm 2024 là 11,06 năm; lãi suất phát hành bình quân là 2,24%/năm; kỳ hạn còn lại của danh mục là 9 năm.

Trong quý III, KBNN tiếp tục bám sát tình hình của thị trường, tình hình thu, chi ngân sách nhà nước để tổ chức huy động vốn qua phát hành trái phiếu Chính phủ với khối lượng phù hợp, bảo đảm đáp ứng nhu cầu chi trả nợ gốc của ngân sách trung ương và duy trì hoạt động của thị trường. Trong đó, tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, kết hợp phát hành linh hoạt kỳ hạn ngắn dưới 5 năm, tiếp tục cơ cấu lại danh mục nợ trái phiếu Chính phủ theo chủ trương Đảng, Quốc hội. Điều hành lãi suất phát hành phù hợp với nguyên tắc thị trường, định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác…

Trên thị trường, nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ lớn nhất hiện vẫn thuộc về các tổ chức tín dụng, các công ty bảo hiểm. Đáng chú ý, trên thị trường thứ cấp, giá trị niêm yết trái phiếu Chính phủ tại thời điểm 31.5.2024 đạt 2.052.012 tỷ đồng, tăng 0,57% so với tháng trước. Giá trị giao dịch thông thường (Outright) là 142.213 tỷ đồng (tăng 57,8% so với tháng trước) và giao dịch mua bán lại (Repo) là 85.818 tỷ đồng (tăng 1,6%).

Bên cạnh đó, trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường vốn cổ phần thì trên thị trường nợ trái phiếu Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 629 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ trong tháng 5, đưa lượng mua ròng của khối ngoại trong 5 tháng đầu năm 2024 lên 324 tỷ đồng.

Hà Lan

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/them-nguon-luc-cho-cac-cong-trinh-trong-diem-quoc-gia-i375013/