Thêm nguồn lực đầu tư cho giao thông khu vực trung du, miền núi
Phát triển khu vực trung du, miền núi tương xứng với tiềm năng, lợi thế là chủ trương lớn của Đảng ta, đã được khẳng định qua nhiều kỳ đại hội đảng. Đây là khu vực có diện tích rộng, là nơi sinh sống của đồng bào nhiều dân tộc, đa phần là dân tộc thiểu số (DTTS).
Để thúc đẩy hơn nữa kinh tế-xã hội (KT-XH) của khu vực này, một trong những yêu cầu đặt ra là phải tăng cường thu hút nguồn lực đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông, giúp trung du, miền núi kết nối thuận lợi với các vùng, miền trên cả nước.
Bảo đảm gắn kết không gian kinh tế liên hoàn
Một trong những mục tiêu của phát triển hạ tầng giao thông khu vực trung du, miền núi là hướng đến bảo đảm gắn kết không gian kinh tế liên hoàn, bổ trợ cho nhau nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của từng địa phương trong vùng. Coi trọng sự phát triển hài hòa giữa các địa phương, phù hợp với điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Hệ thống hạ tầng giao thông chú trọng phục vụ nhu cầu của các loại hình vận tải, ví như vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, về đường bộ, trong vùng đã hình thành hệ thống đường cao tốc kết nối với Thủ đô Hà Nội và các trung tâm kinh tế vùng, các cửa khẩu, cảng biển quốc tế, như: Cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên-Chợ Mới (Bắc Kạn), Hà Nội-Lào Cai, Hòa Lạc-Hòa Bình, Hà Nội-Bắc Giang. Tuyến cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn đã hoàn thành đoạn tuyến đầu tiên, đang triển khai đoạn Lạng Sơn-Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, dự kiến hoàn thành năm 2021. Trong vùng còn có gần 7.000km quốc lộ, trong đó, các tuyến có quy mô đường cấp 3 đồng bằng với hai làn xe trở lên chiếm 20% (hơn 1.400km). Có thể thấy, các tuyến cao tốc, quốc lộ kết nối vùng cơ bản đã được nâng cấp, hoàn thiện, giúp giảm chênh lệch về cơ sở hạ tầng giữa các địa phương, hình thành hành lang phát triển kinh tế của vùng.
Khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ cũng đã hình thành hệ thống đường sắt, đường thủy nội địa. Tại khu vực này hiện có 5 tuyến đường sắt quốc gia, tổng chiều dài 669km, trong đó có hai tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội-Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Hà Nội-Lào Cai. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn xây mới tuyến đường sắt khổ 1.435mm Hà Nội-Đồng Đăng và nối ray ga Lào Cai-Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) chưa thực hiện được. Về đường thủy nội địa, các địa phương trung du, miền núi Bắc Bộ đang khai thác 6 tuyến vận tải thủy chính với tổng chiều dài khoảng 657km và trên các vùng hồ thủy điện, như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Thác Bà, Tuyên Quang. Thời gian qua, cảng Việt Trì (Phú Thọ) và tuyến đường thủy Việt Trì-Tuyên Quang đã hoàn thành nâng cấp, đưa vào khai thác vận tải container. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình, giao thông thủy ở trung du, miền núi phía Bắc vẫn chỉ đóng vai trò hạn chế.
Bên cạnh đường bộ, đường sắt, đường thủy, khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ còn khai thác một số tuyến hàng không đến sân bay Điện Biên Phủ (Điện Biên) và từ năm 2018 có thêm sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) hoàn thành, đưa vào khai thác, công suất khoảng 2 triệu hành khách/năm. Hiện đang nghiên cứu đầu tư sân bay Sa Pa (Lào Cai), nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ nhưng chưa thực hiện được do nguồn lực khó khăn.
Nghị quyết số 37/NQ-TW ngày 1-7-2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN) vùng trung du, miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 nêu rõ: Ưu tiên xây dựng hệ thống đường bộ; nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có trong khu vực, như Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Thái Nguyên; quản lý, khai thác tốt các tuyến đường sông; nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ, Nà Sản (Sơn La), nghiên cứu một số dự án để triển khai đầu tư xây dựng sân bay mới... Bên cạnh đó, Kết luận số 26-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37/NQ-TW nêu rõ, ưu tiên hàng đầu việc xây dựng và nâng cấp hệ thống đường bộ, tạo cơ sở liên kết vùng để phát triển nhanh KT-XH của vùng và bảo đảm QPAN. Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; tổ chức quản lý và khai thác tốt các tuyến đường thủy trên sông, trên hồ trong vùng. Thực hiện theo định hướng này, ngân sách Trung ương và địa phương đã cân đối, bố trí vốn trong giai đoạn 2011-2020 khoảng 31.884 tỷ đồng, tương đương 7% tổng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước của ngành giao thông cho các dự án ở khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ. Qua đó, hoàn thành các mục tiêu về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đặt ra trong Nghị quyết 37.
Tuy nhiên, trong hệ thống giao thông của các tỉnh trung du, miền núi nước ta, trong đó có khu vực phía Bắc, tỷ lệ vận tải đường bộ vẫn chiếm ưu thế. Điều này gây ra nhiều áp lực đối với vấn đề bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường. Nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án còn hạn hẹp, chủ yếu từ ngân sách nhà nước, vốn ODA. Kêu gọi đầu tư theo các phương thức xã hội hóa gặp nhiều khó khăn do hiệu quả tài chính thấp, trong khi suất đầu tư lớn vì địa hình núi cao, điều kiện thủy văn phức tạp. Điều này đặt ra không ít thách thức trong việc tiếp tục mở rộng đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực này.
Chú trọng thu hút nguồn vốn từ các thành phần kinh tế
Đảng, Nhà nước luôn xác định các tỉnh trung du, miền núi là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, QPAN và đối ngoại của đất nước. Đây là khu vực có tiềm năng, lợi thế phát triển các lĩnh vực kinh tế, như: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Xây dựng khu vực này vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các DTTS trong vùng, vừa là nhiệm vụ trọng yếu đối với phát triển KT-XH, bảo đảm QPAN đất nước.
Mục tiêu là đáp ứng được tốc độ tăng trưởng về khối lượng vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng nhanh của các tỉnh, thành phố trong khu vực này. Định hướng đặt ra là ưu tiên đầu tư vào đường bộ cao tốc và đường nối trên các trục hướng tâm, bảo đảm kết nối nhanh từ các thành phố lớn đến các tỉnh trung du, miền núi. Tập trung đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai biên giới. Đồng thời, căn cứ theo lưu lượng để cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến đường bộ liên tỉnh, ưu tiên một số tuyến độc đạo, có tính chất an sinh xã hội, bảo đảm QPAN. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu đầu tư hoàn chỉnh một số cảng hàng không, xây dựng tuyến đường sắt mới, đường thủy theo quy hoạch, tạo động lực phát triển du lịch, thu hút đầu tư.
Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tránh dàn trải, đặc biệt là vốn từ ngân sách nhà nước, cần tập trung cho các công trình trọng điểm, cấp bách. Các bộ, ngành và địa phương cần lựa chọn dự án theo thứ tự ưu tiên đầu tư, quyết liệt triển khai thi công, bảo đảm hoàn thành theo tiến độ đề ra. Bên cạnh đó, tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng vào thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn ODA.
Đáp ứng nhu cầu lớn về nguồn vốn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, đòi hỏi cần phải huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế. Các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực hạ tầng giao thông ở nước ta thông qua phương thức hợp tác công-tư (PPP) cần được tiếp tục khuyến khích. Không ít dự án giao thông tại khu vực trung du, miền núi Bắc Bộ nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư, như: Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn, Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) hay dự án xây dựng sân bay Sa Pa, nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ... Để khơi dậy và phát huy hơn nữa tiềm lực từ nguồn vốn xã hội hóa, trước hết cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng môi trường đầu tư cởi mở, thông thoáng nhằm tạo được niềm tin với nhà đầu tư. Sự tham gia ở mức hợp lý của Nhà nước, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng giúp dự án PPP tăng thêm tính hấp dẫn. Bảo đảm phương án tài chính khả thi cho dự án, trong đó có các hình thức hoàn vốn để tái đầu tư là giải pháp quan trọng thúc đẩy các công trình hạ tầng giao thông sớm triển khai, hoàn thành để đưa vào sử dụng, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội.