Thêm nhiều cơ hội việc làm ổn địnhcho người lao động

Theo Sở Công Thương, từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề có dấu hiệu phục hồi, phát triển và có sự khởi sắc về số lượng, quy mô các đơn hàng, từ đó có nhu cầu tuyển dụng thêm công nhân lao động để tăng tốc sản xuất, kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp ngành may, sản xuất hàng điện tử và linh kiện, dây dẫn điện… có nhu cầu tuyển dụng lớn nhất, đặc biệt là nhu cầu lao động có tay nghề chuyên môn cao...

Nhiều lao động được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH TOP TEXTILES, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Nhiều lao động được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty TNHH TOP TEXTILES, Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình đăng ký doanh nghiệp ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc; số doanh nghiệp gia nhập thị trường và quay trở lại hoạt động (979 doanh nghiệp) số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 4,98% so với cùng kỳ năm trước. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ghi nhận, ước 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 15.950 lượt người lao động.

Ngày 13/7 vừa qua, Công ty TNHH TOP TEXTILES đã khánh thành, đưa nhà máy sản xuất vải TOP TEXTILES công suất 60 triệu mét vải/năm tại KCN Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng) vào hoạt động. Đây mới là giai đoạn 1 trong lộ trình đầu tư và theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư do Ban Quản lý các KCN cấp ngày 31/12/2019, Công ty TNHH TOP TEXTILES sẽ đầu tư dự án sản xuất vải với tổng vốn đầu tư hơn 203 triệu USD, quy mô sản xuất 120 triệu mét vải/năm với nhu cầu sử dụng 2.500 lao động. Ngay khi vận hành giai đoạn 1, dự án góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho khoảng 1.800 lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Theo đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, sự kiện Công ty TNHH TOP TEXTILES khánh thành, đưa nhà máy sản xuất vào vận hành với tổng số 1.800 lao động là một trong những dấu mốc chuyển dịch ban đầu trong lộ trình ngày càng giải quyết nhiều việc làm cho người lao động của tỉnh Nam Định. Trong thời gian tới, trên toàn tỉnh còn nhiều dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang được tích cực thúc đẩy tiến độ đầu tư, xây dựng để có thể sớm đi vào vận hành sản xuất chính thức, góp phần tăng nhanh số lao động sẽ được giải quyết việc làm.

Cụ thể có thể kể đến loạt dự án như: Nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính của Công ty TNHH QMH Computer; nhà máy sản xuất các găng tay y tế, găng tay bảo hộ lao động quy mô 300 tấn sản phẩm/năm do Tập đoàn Xingyu (Singapore) đầu tư tại KCN Bảo Minh mở rộng; Dự án sản xuất sản phẩm nhựa và sản phẩm melamine do Tập đoàn JiaWei khởi động đầu tư tại KCN Mỹ Thuận; Nhà máy giấy bao bì công nghệ cao từ nguyên liệu giấy phế liệu tái chế và bột giấy do Công ty Cổ phần Giấy GĐT đầu tư với tổng vốn 2.560 tỷ đồng (tương đương trên 100 triệu USD) tại KCN Bảo Minh mở rộng; Nhà máy may XIELONG Việt Nam do Công ty TNHH Sợi hóa học công nghệ cao XIELONG đầu tư với tổng vốn 40 triệu USD tại KCN Dệt may Rạng Đông; Nhà máy dây cáp kết nối truyền tín hiệu Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử MSL Việt Nam; phân xưởng 2 Nhà máy sản xuất giày da Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam; dự án điện năng lượng mặt trời (giai đoạn 1) của Công ty Cổ phần Dệt Nhuộm Sunrise; Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam; nhà máy may quần áo Công ty TNHH Nice Power; nhà xưởng sản xuất đế và lót giầy thể thao Công ty TNHH Đồ dùng thể thao Victory Việt Nam... Trong đó, nhà máy sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi của máy tính của Công ty TNHH QMH Computer (thuộc Tập đoàn Quanta Computer Inc,.) được chấp thuận đầu tư và thành lập tại KCN Mỹ Thuận vào năm 2023. Nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng tỉnh, Công ty TNHH QMH Computer đã suôn sẻ hoàn tất thuận lợi các công đoạn đầu tư, xây dựng giai đoạn 1 trong quãng thời gian rất ngắn. Hiện tại, công ty đang đưa nhà máy số 1 quy mô sản xuất 1,3 triệu chiếc máy tính xách tay/máy tính để bàn vào vận hành sản xuất thử và đang thực hiện các bước đầu tư tiếp theo lộ trình tăng năng lực sản xuất vào năm 2025 đạt 2,6 triệu máy, năm 2026 đạt 3,6 triệu máy, năm 2027 đạt 4 triệu máy, năm 2028 đạt 4,5 triệu máy. Dự kiến tháng 11 năm nay, Công ty TNHH QMH Computer sẽ đưa nhà máy số 1 vào sản xuất chính thức và sẽ giải quyết việc làm cho 2.200 lao động (trong đó có 2.000 lao động người Việt, 200 chuyên gia nước ngoài).

6 tháng đầu năm 2024 trên toàn tỉnh ghi nhận nhiều dự án của các doanh nghiệp trong nước cũng được tích cực thúc đẩy tiến độ thi công, lắp đặt thiết bị máy móc để có thể sớm đưa vào vận hành, tạo việc làm cho người lao động như: Nhà máy Xuân Trường II do Công ty Cổ phần May Sông Hồng đầu tư, cơ sở sản xuất dệt may do Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam, cơ sở sản xuất giày do Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Tiến đầu tư... Trong đó, dự án nhà máy Xuân Trường II chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc xuất khẩu chất lượng cao được Công ty Cổ phần May Sông Hồng khởi công xây dựng từ cuối tháng 11/2023 tại xã Xuân Hòa (Xuân Trường) với tổng vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng dự kiến cuối năm 2024 sẽ đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho khoảng 3.000 lao động của địa phương, nâng tổng quy mô lao động của toàn công ty lên 15 nghìn người.

Trước những tín hiệu tích cực cho thấy thị trường lao động của Nam Định trong thời gian tới sẽ rất sôi động, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã gia tăng các chương trình, giải pháp để đồng hành, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp thuận lợi trong thu hút được nguồn lao động tại chỗ. Đáng kể, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, các địa phương đã tăng cường làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp, chú trọng nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động ngay từ giai đoạn khởi động đầu tư; từ đó có phương án chỉ đạo, định hướng công tác đào tạo nghề phù hợp với cơ cấu, vị trí nhân sự các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. Tỉnh còn giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành bám sát, nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tuyển dụng, sử dụng lao động để có phương án hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hiệu quả, đối với các tình huống, vướng mắc vượt quá thẩm quyền phải khẩn trương báo cáo tỉnh. Đối với các ngành nghề chưa trở thành thế mạnh của tỉnh, tỉnh cũng thiết lập phương án phối hợp 3 bên “chính quyền - nhà đầu tư - đơn vị đào tạo nghề” để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với đơn vị đào tạo, trong đó có cả nhà đào tạo ngoài tỉnh, nhà đào tạo nước ngoài, từ đó có thể thuận tiện trong đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn nhất theo yêu cầu của doanh nghiệp sử dụng lao động.

Hiện nay, các ngành chức năng, các đơn vị liên quan cũng đã tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động với nhiều phương thức thiết thực như đăng tải thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử, trang web; phối hợp tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và giải quyết việc làm; tăng cường truyền thông nhằm lan tỏa sâu rộng thông tin về các doanh nghiệp, các dự án ngay từ giai đoạn khởi động đầu tư trên địa bàn tỉnh và thời điểm tuyển dụng và dự kiến số lượng lao động, ngành nghề, vị trí cần tuyển dụng để người lao động Nam Định đang đi làm xa hoặc người lao động của các tỉnh ngoài nắm bắt được, từ đó có thể lựa chọn Nam Định là nơi làm việc. Các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh cũng khuyến cáo, để thu hút và sở hữu được nguồn lao động tại chỗ, các doanh nghiệp cần xác định rõ nhu cầu nguồn lao động và có kế hoạch chuẩn bị ngay khi dự án đầu tư được cấp phép, cần ký kết hợp tác đào tạo với các trường đại học, cao đẳng đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực khi dự án đi vào vận hành. Thường xuyên quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, tạo phong trào thi đua lao động giỏi, xây dựng môi trường làm việc thân thiện, gắn bó lâu dài với công ty. Về phía người lao động, các sở, ngành, đơn vị chức năng cũng khuyến cáo khi tham gia vào thị trường lao động, cần tích cực nắm bắt đầy đủ các thông tin, hiểu biết đầy đủ về pháp luật việc làm; đồng thời chủ động trang bị cho bản thân những hành trang, kiến thức, kỹ năng cần thiết, kỹ năng nghề, ngoại ngữ để sớm tìm được cho mình ngành, nghề phù hợp, có thu nhập cao và ổn định.

Bài và ảnh: Thanh Thúy,

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202407/them-nhieu-co-hoi-viec-lam-on-dinhcho-nguoi-lao-dong-af4788e/